Hoạt động tư pháp rất đa dạng. Mỗi hoạt động hướng tới một mục đích khác nhau, được tiến hành trong những điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động tư pháp đều có chung một thành phần cấu trúc tâm lý.
1. Cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp là gì?
Cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp là tổng hòa các mục đích của hoạt động tư pháp, được thực hiện bằng các hoạt động tâm lý nhất định. Các hoạt động này được lặp đi lặp lại trong tất cả các giai đoạn tố tụng và có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau nhằm đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp.
2. Cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp gồm mấy phần?
Định nghĩa trên cho thấy, cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp gồm hai phần:
– Phần thứ nhất: Tổng hòa các mục đích của hoạt động tư pháp, được thể hiện trong mỗi hoạt động tư pháp cụ thể, gồm:
+ Mục đích của hoạt động điều tra gồm: thu thập thông tin để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, cải tạo cảm hoá người phạm tội.
+ Mục đích của hoạt động xét xử gồm: kiểm tra lại tính khách quan của các chứng cứ đã thu thập được, ra quyết định và bản án chính xác về vụ án; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật ở các công dân, tiếp tục cải tạo cảm hoá người phạm tội.
+ Mục đích của hoạt động đoạn cải tạo: Triệt tiêu, uốn nắn những đặc điểm tâm lý tiêu cực, những lệch lạc trong nhân cách người phạm tội, đồng thời làm hình thành ở họ những phẩm chất tâm lý phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Các mục đích trên thể hiện nội dung và tính chất của mỗi hoạt động tư pháp cụ thể. Tổng hòa các mục đích trên là mục đích của hoạt động tư pháp.
– Phần thứ hai: Các hoạt động tâm lý được sử dụng để thực hiện hoạt động, gồm: hoạt động nhận thức; hoạt động thiết kế; hoạt động giáo dục; hoạt động tổ chức; hoạt động giao tiếp; hoạt động chứng nhận.
Các hoạt động tâm lý dó thể hiện phương thức tiến hành hoạt động. Trong quá trình thực hiện hoạt động tư pháp, các hoạt động tâm lý này được sử dụng thường xuyên. Chúng có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Ví dụ, hoạt động thiết kế được tiến hành trên cơ sở những thông tin của hoạt động nhận thức. Như vậy, hoạt động nhận thức là cơ sở để tiến hành hoạt động thiết kế. Đến lượt mình, hoạt động thiết kế lại hỗ trợ cho hoạt động nhận thức. Hoạt động thiết kế ra các quyết định cụ thể trong hoạt động tư pháp. Các quyết định này tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức các thông tin về vụ án.
Căn cứ vào vai trò và chức năng khác nhau trong cấu trúc, các hoạt động trên được chia thành hai nhóm:
+ Nhóm các hoạt động tâm lý cơ bản: đó là các hoạt động quan trọng nhất, có vai trò thiết yếu trong việc thực hiện mục đích hoạt động tư pháp.
Các hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp hiệu quả của hoạt động tư pháp, gồm: hoạt động nhận thức, hoạt động thiết kế và hoạt động giáo dục.
+ Nhóm các hoạt động bổ trợ. là các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động cơ bản. Những hoạt động này tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục đích của hoạt động tư pháp gồm: hoạt động giao tiếp, hoạt động tổ chức và hoạt động chứng nhận.