Cơ cấu của quy phạm pháp luật là cấu trúc bên trong, là các bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật bao gồm 3 bộ phận: giả định, quy định và chế tài.
1. Giả định
Giả định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên những hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trong cuộc sống và cá nhân hay tổ chức nào ở vào những hoàn cảnh, điều kiện đó phải chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó.
Trong giả định của quy phạm pháp luật cũng nêu lên chủ thể nào ở vào những điều kiện, hoàn cảnh đó.
Ví dụ: “1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.” (khoản 1, Điều 127 Bộ luật Hình sự năm 2015), bộ phận giả định của quy phạm là: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép”.
Bộ phận giả định của quy phạm pháp luật trả lời cho câu hỏi: Tổ chức, cá nhân nào? Khi nào? Trong những hoàn cảnh, điều kiện nào?
2. Quy định
Quy định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu cách xử sự mà tổ chức hay cá nhân ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật được phép hoặc buộc phải thực hiện.
Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật trả lời câu hỏi: Phải làm gì? Được làm gì? Không được làm gì? Làm như thế nào?
Ví dụ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” (Điều 25 Hiến pháp năm 2013), bộ phận quy định của quy phạm là “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” (được làm gì).
3. Chế tài
Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh.
Các biện pháp tác động nêu ở bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật có thể sẽ được áp dụng với tổ chức hay cá nhân nào vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.
Ví dụ: “1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.” (khoản 1, Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015) bộ phận chế tài của quy phạm là “thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật trả lời cho câu hỏi: Hậu quả sẽ như thế nào nếu vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật, hoặc được hưởng gì nếu thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Cảm ơn, bài viết+ ví dụ rất dễ hiểu, nhờ bài viết tôi đã hiểu sâu hơn