Các quy luật của sản xuất hàng hóa bao gồm: Quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu và quy luật lưu thông tiền tệ.
1. Quy luật giá trị
1.1. Nội dung và yêu cầu của quy luật giá trị
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa vì nó quy định bản chất của sản xuất hàng hóa, là cơ sở của tất cả các quy luật khác của sản xuất hàng hóa.
Nội dung của quy luật giá trị là:
Sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết.
Trong sản xuất, tác động của quy luật giá trị buộc người sản xuất phải làm sao cho mức hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp với mức hao phí lao động xã hội cần thiết có như vậy họ mới có thể tồn tại được; còn trong trao đổi, hay lưu thông, phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá: Hai hàng hóa được trao đổi với nhau khi cùng kết tinh một lượng lao động như nhau hoặc trao đổi, mua bán hàng hoá phải thực hiện với giá cả bằng giá trị.
Cơ chế tác động của quy luật giá trị thể hiện cả trong trường hợp giá cả bằng giá trị, cả trong trường hợp giá cả lên xuống xung quanh giá trị. ở đây, giá trị như cái trục của giá cả.
1.2. Tác động của quy luật giá trị
Trong nền sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị có ba tác động sau:
– Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Quy luật giá trị điều tiết sản xuất hàng hóa được thể hiện trong hai trường hợp sau:
+ Thứ nhất, nếu như một mặt hàng nào đó có giá cả cao hơn giá trị, hàng hóa bán chạy và lãi cao, những người sản xuất sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm tư liệu sản xuất và sức lao động. Mặt khác, những người sản xuất hàng hóa khác cũng có thể chuyển sang sản xuất mặt hàng này, do đó, tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này tăng lên, quy mô sản xuất càng được mở rộng.
+ Thứ hai, nếu như một mặt hàng nào đó có giá cả thấp hơn giá trị, sẽ bị lỗ vốn. Tình hình đó buộc người sản xuất phải thu hẹp việc sản xuất mặt hàng này hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác, làm cho tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này giảm đi, ở ngành khác lại có thể tăng lên.
Còn nếu như mặt hàng nào đó giá cả bằng giá trị thì người sản xuất có thể tiếp tục sản xuất mặt hàng này.
Như vậy, quy luật giá trị đã tự động điều tiết tỷ lệ phân chia tư liệu sản xuất và sức lao động vào các ngành sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tác động điều tiết lưu thông hàng hóa của quy luật giá trị thể hiện ở chỗ nó thu hút hàng hóa từ nơi có giá cả thấp hơn đến nơi có giá cả cao hơn, và do đó, góp phần làm cho hàng hóa giữa các vùng có sự cân bằng nhất định.
– Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Các hàng hóa được sản xuất ra trong những điều kiện khác nhau, do đó, có mức hao phí lao động cá biệt khác nhau, nhưng trên thị trường thì các hàng hóa đều phải được trao đổi theo mức hao phí lao động xã hội cần thiết. Vậy người sản xuất hàng hóa nào mà có mức hao phí lao động thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, thì sẽ thu được nhiều lãi và càng thấp hơn càng lãi. Điều đó kích thích những người sản xuất hàng hóa cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến tổ chức quản lý, thực hiện tiết kiệm… nhằm tăng năng suất lao động, hạ chi phí sản xuất.
Sự cạnh tranh quyết liệt càng làm cho các quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn. Nếu người sản xuất nào cũng làm như vậy thì cuối cùng sẽ dẫn đến toàn bộ năng suất lao động xã hội không ngừng tăng lên, chi phí sản xuất xã hội không ngừng giảm xuống.
– Phân hóa những người sản xuất hàng hóa thành giàu, nghèo.
Những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hóa theo mức hao phí lao động xã hội cần thiết (theo giá trị) sẽ thu được nhiều lãi, giàu lên, có thể mua sắm thêm tư liệu sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí thuê lao động trở thành ông chủ.
Ngược lại, những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt lớn hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hóa sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, nghèo đi, thậm chí có thể phá sản, trở thành lao động làm thuê.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở ra đời của chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, quy luật giá trị vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Do đó, đồng thời với việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, nhà nước cần có những biện pháp để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, đặc biệt trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
2. Quy luật cạnh tranh
Cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
Cạnh tranh có thể diễn ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Ví dụ: người sản xuất thì muốn bán được hàng hóa với giá cao, người tiêu dùng lại muốn mua được hàng hóa với giá rẻ; hoặc giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng để mua được hàng hóa với giá rẻ hơn, chất lượng hơn; hoặc giữa người sản xuất với người sản xuất nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, như điều kiện về vốn, lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường, giành nơi đầu tư có lợi… để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình. Trong cuộc cạnh tranh này người ta có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau. Chẳng hạn, để giành giật thị trường tiêu thụ, họ có thể dùng biện pháp cạnh tranh giá cả như giảm giá cả hàng hóa để đánh bại đối thủ, hoặc cạnh tranh phi giá cả như dùng thông tin, quảng cáo sản phẩm, quảng cáo dây chuyền sản xuất… để kích thích người tiêu dùng.
Nội dung của quy luật cạnh tranh là: Trong nền sản xuất hàng hóa, sự cạnh tranh giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa người sản xuất và người tiêu dùng là một tất yếu khách quan, là yêu cầu thường xuyên đối với những người sản xuất hàng hóa.
Quy luật cạnh tranh xuất phát từ bản chất của nền sản xuất hàng hóa, của quy luật giá trị.
Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Nó buộc người sản xuất phải thường xuyên năng động, nhạy bén, thường xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề, hoàn thiện tổ chức quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế…Thực tế cho thấy, ở đâu thiếu cạnh tranh hoặc có biểu hiện độc quyền thì ở đó thường trì trệ, bảo thủ, kém phát triển.
Bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh cũng có những mặt tiêu cực, thể hiện ở cạnh tranh không lành mạnh như dùng những thủ đoạn vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật nhằm thu được nhiều lợi ích nhất cho mình, gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, xã hội, cộng đồng như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, ăn cắp bản quyền, tung tin phá hoại uy tín đối thủ, hoặc cạnh tranh làm tăng sự phân hóa giàu nghèo hoặc tổn hại đối với môi trường sinh thái v.v..
3. Quy luật cung cầu
Cầu được hiểu là nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội về một loại hàng hoá hay dịch vụ nào đó trên thị trường ở các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, cầu về một loại hàng hoá hay dịch vụ là lượng hàng hoá hay dịch vụ đó mà người mua dự kiến mua trên thị trường ở các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Cầu có liên quan đến nhu cầu nhưng không đồng nhất với nhu cầu. Cầu là một khái niệm kinh tế cụ thể gắn với sản xuất và trao đổi hàng hóa. Cầu không đồng nhất với nhu cầu nhưng lại có nguồn gốc từ nhu cầu. Quy mô của cầu phụ thuộc vào các nhân tố chủ yếu như: thu nhập, sức mua của đồng tiền, giá cả hàng hóa, lãi suất, thị hiếu của người tiêu dùng… trong đó, giá cả là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cung về một loại hàng hóa hay dịch vụ là tổng số hàng hóa hay dịch vụ đó mà các chủ thể kinh tế đưa ra bán trên thị trường ở các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm cả hàng hóa bán được và chưa bán được.
Cung do sản xuất quyết định, nhưng cung không phải lúc nào cũng đồng nhất với khối lượng sản xuất. Ví dụ: những sản phẩm sản xuất để tự tiêu thụ, hoặc không có khả năng đưa tới thị trường, thì không nằm trong cung. Lượng cung phụ thuộc chủ yếu vào khả năng sản xuất; số lượng, chất lượng các yếu tố sản xuất được đưa vào sử dụng; chi phí sản xuất; giá cả hàng hóa, dịch vụ; trong đó giá cả là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cung và cầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cầu xác định cung và ngược lại, cung xác định cầu. Cầu xác định khối lượng, cơ cấu của cung về hàng hóa: Chỉ có những hàng hóa nào dự kiến có cầu thì mới được sản xuất, cung ứng; hàng hóa nào tiêu thụ được nhiều, nhanh nghĩa là có cầu lớn sẽ được cung ứng nhiều và ngược lại. Đến lượt mình, cung tác động đến cầu, kích thích cầu: Những hàng hóa nào được sản xuất, cung ứng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng sẽ được ưa thích hơn, bán chạy hơn, làm cho cầu về chúng tăng lên. Vì vậy, người sản xuất hàng hóa phải thường xuyên nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng, dự đoán sự thay đổi của cầu, phát hiện các nhu cầu mới…, để cải tiến chất lượng, hình thức, mẫu mã cho phù hợp; đồng thời phải quảng cáo để kích thích cầu…
Giữa cung, cầu và giá cả có mối quan hệ chặt chẽ với nhau:
– Giá cả = giá trị thì trạng thái cung cầu ở thế cân bằng.
– Giá cả < giá trị trị thì cung ở xu thế giảm, cầu ở xu thế tăng.
– Giá cả > giá trị trị thì cung ở xu thế tăng, cầu ở xu thế giảm.
– Cung > cầu thì giá cả có xu thế giảm.
– Cung < cầu thì giá cả có xu thế tăng.
– Cung = cầu thì giá cả ổn định tương đối.
Đó là cơ chế tự điều chỉnh của nền kinh tế hàng hóa. Cơ chế đó chính là quy luật cung cầu.
4. Quy luật lưu thông tiền tệ và lạm phát
Quy luật lưu thông tiền tệ là quy luật quy định lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa trong một thời kỳ nhất định. Quy luật này được thể hiện như sau:
Lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hoá trong một thời kỳ nhất định được xác định bằng tổng giá cả của hàng hóa lưu thông trong thời kỳ đó chia cho tốc độ lưu thông của đồng tiền.
Lượng tiền cần thiết cho lưu thông | = | Tổng giá cả của hàng hóa lưu thông |
Tốc độ lưu thông của đồng tiền |
Trong đó:
– Tốc độ lưu thông của đồng tiền chính là số vòng quay trung bình của một đơn vị tiền tệ.
-Tổng giá cả của mỗi loại hàng hóa bằng giá cả nhân với khối lượng đưa vào lưu thông của hàng hóa ấy. Tổng giá cả của hàng hóa lưu thông bằng tổng giá cả của tất cả các loại hàng hóa lưu thông.
Lượng tiền cần thiết cho lưu thông này tính cho một thời kỳ nhất định, cho nên khi ứng dụng công thức này cần lưu ý một số điểm sau:
– Trong tính tổng giá cả phải loại bỏ những hàng hóa không được đưa ra lưu thông trong thời kỳ đó như: Hàng hóa dự trữ hay tồn kho không được đem ra bán hoặc để bán trong thời kỳ sau; hàng hóa bán (mua) chịu đến thời kỳ sau mới cần thanh toán bằng tiền; hàng hóa dùng để trao đổi trực tiếp với hàng hóa khác; hàng hóa được mua (bán) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như ký sổ, chuyển khoản,…
– Phải cộng thêm vào lượng tiền cần thiết cho lưu thông lượng tiền dùng để ứng trước, để đặt hàng trong thời kỳ này nhưng lại chỉ nhận hàng trong thời kỳ sau và lượng tiền mua (bán) hàng hoá chịu đã đến kỳ thanh toán.
Khi vàng và bạc được dùng làm tiền thì số lượng tiền vàng hay bạc làm phương tiện lưu thông được hình thành một cách tự phát. Bởi vì, tiền vàng hay tiền bạc (hoặc các của cải bằng vàng, bạc) thực hiện được chức năng là phương
tiện cất trữ. Nếu như số lượng tiền vàng hay tiền bạc lớn hơn số lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa thì việc tích trữ tiền tăng lên và ngược lại. Chẳng hạn, khi sản xuất giảm sút, số lượng hàng hóa đem ra lưu thông ít đi, do đó số lượng tiền đang trong lưu thông trở nên lớn hơn số lượng tiền cần thiết cho lưu thông, khi đó việc tích trữ tiền sẽ tăng lên.
Khi phát hành tiền giấy thì tình hình sẽ khác. Tiền giấy chỉ là ký hiệu của giá trị, thay thế tiền vàng hay bạc trong chức năng làm phương tiện lưu thông, bản thân tiền giấy không có giá trị thực.
Trong chế độ tiền giấy bản vị vàng, một đồng tiền giấy chỉ là ký hiệu của một lượng vàng nhất định dự trữ trong quỹ dự trữ của nhà nước hoặc ngân hàng. Về nguyên tắc, bất kỳ lúc nào đồng tiền giấy cũng được đổi sang lượng vàng mà nó ấn định. Trong trường hợp này lượng tiền cần thiết cho lưu thông cũng tự điều tiết giống như trong chế độ tiền vàng. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra đúng như vậy, nhìn chung lượng vàng dự trữ không đủ bảo đảm cho lượng tiền giấy đã được phát hành, khi đó lạm phát xảy ra. Hơn nữa, do chế độ bảo đảm bằng vàng đã không được thực hiện nghiêm túc, cuối cùng đã bị bãi bỏ, chuyển sang chế độ tiền giấy do nhà nước ấn định giá trị phát hành ban đầu không có vàng đứng đằng sau bảo đảm. Khi đó, đồng tiền được tung vào lưu thông và giá trị của nó thường xuyên bị biến đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau trong nền kinh tế, đặc biệt là yếu tố phát hành tiền: lượng tiền phát hành không phù hợp với lượng tiền cần thiết cho lưu thông. Đồng thời, lượng tiền cần thiết cho lưu thông cũng thường xuyên biến đổi do giá trị của một đơn vị tiền tệ thường xuyên thay đổi.
Khi lượng tiền giấy phát hành ra cao hơn lượng tiền cần thiết cho lưu thông gọi là lạm phát; ngược lại, nếu lượng tiền giấy phát hành ra thấp hơn lượng tiền cần thiết cho lưu thông gọi là giảm phát.
Lạm phát bao giờ cũng đi đôi với việc giá cả của hầu hết hàng hóa đồng loạt tăng lên làm cho giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ giảm, sức mua của đồng tiền giảm. Sở dĩ như vậy vì khi lượng tiền được phát hành vượt quá mức cần thiết làm xuất hiện tình trạng ứ đọng tiền tệ; người giữ tiền sẵn sàng cho vay tiền với lãi suất thấp hơn, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn để mua một đơn vị hàng hóa, làm cho hàng hóa bị khan hiếm, giá cả leo thang… Có thể nói, bề nổi của lạm phát luôn là tình trạng mức giá chung tăng lên, giá trị của đơn vị tiền tệ giảm, sức mua của đồng tiền giảm. Chính vì vậy, để đo lường mức lạm phát, người ta dùng chỉ số giá cả. Có hai loại chỉ số giá cả được sử dụng phổ biến trong thống kê kinh tế là chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng.
Căn cứ vào mức giá tăng lên người ta chia lạm phát ra thành lạm phát vừa phải (chỉ số giá cả tăng lên dưới 10% một năm), lạm phát phi mã (từ 10% một năm trở lên) và siêu lạm phát (chỉ số giá cả tăng lên hàng trăm, hàng nghìn phần trăm một năm hoặc hơn nữa).
Lạm phát nhẹ, vừa phải là biểu hiện sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, kích thích sản xuất phát triển, kích thích xuất khẩu…Tuy nhiên, lạm phát phi mã, đặc biệt là siêu lạm phát, có sức tàn phá ghê gớm đối với nền kinh tế; nó dẫn tới sự phân phối lại các nguồn thu nhập giữa các tầng lớp dân cư: người nắm giữ hàng hóa, người đi vay được lợi; người có thu nhập và nắm giữ tài sản bằng tiền, người cho vay bị thiệt (do sức mua của đồng tiền giảm sút); khuyến khích đầu cơ hàng hóa, cản trở sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế bị méo mó, biến dạng, tâm lý người dân hoang mang…Siêu lạm phát gắn liền với khủng hoảng kinh tế – xã hội. Do đó, việc chống lạm phát cao là một trong những mục tiêu hàng đầu của các nước trên thế giới.
Ngày nay, lý thuyết kinh tế học hiện đại còn phân biệt các loại lạm phát khác nhau như: lạm phát do cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy, do mở rộng tín dụng quá mức… Dù cách phân loại có như thế nào đi chăng nữa thì nguyên nhân dẫn đến lạm phát vẫn là do sự mất cân đối giữa hàng và tiền do số lượng tiền giấy vượt quá mức cần thiết cho lưu thông.