Mô hình chính thể hay hình thức chính thể nhà nước là cách thức và trình tự thành lập các cơ quan nhà nước tối cao và sự xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước đó với nhau và với nhân dân.
1. Hình thức chính thể quân chủ nghị viện lập hiến (Parliamentary Constitutional Monarchie)
Hình thức chính thể quân chủ nghị viện lập hiến là chính thể trong đó nguyên thủ quốc gia là Vua (Hoàng đế, Quốc trưởng), được thiết lập theo nguyên tắc kế truyền, bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp, có chức năng chủ yếu là lễ tân và ngoại giao.
Hình thức chính thể quân chủ nghị viện lập hiến hiện nay đang tồn tại ở khá nhiều nhà nước trên thế giới như Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch… Đặc điểm cơ bản của chính thể quân chủ nghị viện lập hiến là vai trò nổi trội của Thủ tướng chính phủ trong việc thực hiện quyền lực chính trị, bởi Thủ tướng là thủ lĩnh của Đảng chiếm ưu thế trong Nghị viện, là người quyết định đường lối chính trị của Chính phủ.
Nhiều học giả cho rằng sở dĩ có chính thể quân chủ nghị viện lập hiến là do trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản, giai cấp tư sản không dành được thắng lợi hoàn toàn và chính thể quân chủ nghị viện lập hiến như là một hình thức thỏa thuận giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc phong kiến. Với quan điểm này, thì hình thức chính thể cộng hoà dân chủ tư sản mới là hình thức tiến bộ nhất, còn hình thức quân chủ nghị viện lập hiến chỉ như là hình thức quá độ khi giai cấp tư sản chưa giành được thắng lợi hoàn toàn và nó sẽ biến mất khi tầng lớp quý tộc phong kiến không còn nữa. Tuy nhiên, trên thực tế với nước Anh, một nước kinh tế phát triển có nền văn hiến lâu đời và sử dụng một ngôn ngữ càng ngày càng trở thành công cụ giao tiếp phổ biến nhất của các quan hệ quốc tế, với Thụy Điển, một nước kinh tế phát triển, một nhà nước phúc lợi chung, một quốc gia phát triển toàn diện và nước Nhật, một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế khiến thế giới phải kinh ngạc, quốc gia có tiềm năng kinh tế chỉ đứng sau nước Mỹ, thì chính thể quân chủ nghị viện lập hiến rõ ràng là có những hạt nhân hợp lý của nó. Trong lịch sử nhà nước và pháp luật, nhà nước quân chủ chuyên chế đã tồn tại khoảng 2.000 năm (ở Trung Quốc nhà nước quân chủ chuyên chế đã tồn tại từ thế kỷ III TCN đến năm 1911). Một thiết chế tồn tại lâu dài như vậy, dĩ nhiên có các bí quyết trường sinh của nó. Một trong những bí quyết quan trọng của nó là đảm bảo tính ổn định của các giá trị xã hội. Nếu một thiết chế chính trị thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh nhưng làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, các phong tục tập quán tốt đẹp bị nhanh chóng mai một, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thiếu sự hài hoà thì đó chưa phải là một thiết chế chính trị tốt. Các nước có chính thể quân chủ nghị viện lập hiến như Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Thái Lan… đều là những quốc gia kết hợp được những giá trị truyền thống của chính thể quân chủ với những giá trị mới của nền dân chủ tư sản như nhà vua là đại diện cho sự thống nhất ý chí và đoàn kết dân tộc với chế độ bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín để thành lập Nghị viện – cơ quan lập pháp. Với một vị hoàng đế quyền lực hạn chế, một Nghị viện có nhiều quyền lực và một vị Thủ tướng – thủ lĩnh của Đảng chiếm đa số ghế trong Nghị viện, chính thể quân chủ nghị viện trở thành một trong những chính thể phổ biến và có nhiều ưu việt hiện nay trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có 33 quốc gia có chính thể quân chủ nghị viện lập hiến.
2. Hình thức chính thể cộng hoà Nghị viện (Parliamentary republic)
Hình thức chính thể cộng hòa Nghị viện (ở nước ta quen gọi là cộng hòa đại nghị) là mô hình của nền cộng hoà thứ tư của Pháp (từ năm 1946 đến 1958) và hiện nay đang tồn tại ở Italia (theo Hiến pháp 1947), Liên bang Đức (theo Hiến pháp 1949), Liên bang Áo (theo Hiến pháp 1922, sửa đổi 1929), Hy Lạp theo Hiến pháp 1975[2]…
Đặc điểm của mô hình chính thể này là quyền lực của Tổng thống không lớn, quyền lực chính trị tập trung vào Thủ tướng bởi Thủ tướng là người quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của Chính phủ. Đây là một hình thức chính thể mà Chính phủ được thành lập trên cơ sở đảng chiếm đa số ghế trong Nghị viện. Thủ tướng Chính phủ là thủ lĩnh của Đảng cầm quyền – đảng chiếm đa số ghế trong Nghị viện. Chính quyền hành pháp được chia sẻ giữa Tổng thống và Thủ tướng. Tổng thống Italia do Nghị viện bầu ra trong phiên họp toàn thể của hai viện. Tham gia vào bầu cử còn có đại diện của các vùng lãnh thổ (đơn vị hành chính lãnh thổ cao nhất ở Italia); mỗi vùng lãnh thổ có 3 đại biểu do Hội đồng vùng bầu ra. Điều kiện để có thể trở thành ứng cử viên chức vụ Tổng thống là bất kỳ công dân Italia nào đủ 50 tuổi, có đầy đủ các quyền dân sự và chính trị. Nhiệm kỳ của Tổng thống Italia là 7 năm. Tổng thống cộng hoà liên bang Đức do Hội nghị liên bang bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Hội nghị liên bang bao gồm tất cả các thành viên của Hạ viện (Bundestag) và một số lượng đại biểu nhân dân bằng số lượng đại biểu Hạ viện được bầu từ các lãnh địa (các chủ thể của liên bang) theo tỷ lệ dân số. ứng cử viên vào chức vụ Tổng thống phải là công dân Đức, có quyền bầu cử vào Quốc hội liên bang, ít nhất phải đủ 40 tuổi. Thủ tướng cộng hòa liên bang Đức do Hạ viện bầu ra theo sự đề cử của Tổng thống. Điều kiện để trúng cử là được đa số của Bundestage bỏ phiếu thuận. Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu, Tổng thống sẽ bổ nhiệm Thủ tướng. Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên của Chính phủ. Thủ tướng bổ nhiệm một trong số các bộ trưởng làm Phó thủ tướng (Khoản 1 Điều 69 Hiến pháp năm 1949 của cộng hòa liên bang Đức). Thủ tướng có thể bị Nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc phải từ chức (Italia) hoặc Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc phải từ chức (Đức). Ngược lại Tổng thống theo đề nghị của Thủ tướng có thể giải tán Nghị viện (Italia) hoặc giải tán Hạ viện (Đức). Theo chính thể cộng hoà Nghị viện Thủ tướng luôn luôn là thủ lĩnh của Đảng chiếm uy thế trong Nghị viện, vì vậy quyền hạn của Thủ tướng rất lớn. Hạt nhân hợp lý trong tổ chức và hoạt động của Chính thể cộng hoà Nghị viện chính là cơ chế tạo ra sự thống nhất giữa Chính phủ và Nghị viện do Chính phủ luôn luôn được số đông trong Nghị viện ủng hộ. Như vậy có thể thấy rằng việc phân chia quyền lực trong trường hợp này không dẫn đến việc phân lập quyền lực. Hiện nay có 32 nước có chính thể cộng hòa Nghị viện.
3. Hình thức chính thể cộng hoà Tổng thống (Presidential republic)
Chính thể cộng hoà Tổng thống là một hình thức chính thể trong đó nguyên thủ quốc gia – Tổng thống do nhân dân bầu ra vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là người đứng đầu Chính phủ. Điển hình của chế độ cộng hòa Tổng thống là Hoa Kỳ.
Bản Hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới – Hiến pháp Hoa kỳ năm 1787 đã tạo ra một mô hình chính thể đặc sắc với một Tổng thống có nhiều quyền lực bên cạnh một Nghị viện lập pháp và một Pháp viện tối cao hoàn toàn độc lập trong các phán quyết của mình đã làm cho học thuyết phân chia quyền lực được áp dụng một cách khá hoàn hảo. Học thuyết phân chia quyền lực mặc dù do các nhà tư tưởng người Anh và người Pháp (John Locke, Charles de Secondat Montesquieu) xây dựng và hoàn thiện, tuy nhiên lại được áp dụng một cách triệt để nhất ở Hoa Kỳ. Theo Hiến pháp 1787 các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân chia một cách độc lập với nhau nhưng có thể kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Vì Tổng thống vừa đứng đầu nhà nước, vừa đứng đầu chính quyền hành pháp nên có quyền lực rất lớn. Tổng thống có quyền thành lập Chính phủ, có quyền bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ, các thẩm phán toà án liên bang với sự đồng ý của Thượng Nghị viện, có quyền can thiệp vào hoạt động lập pháp bằng quyền phủ quyết. Để Tổng thống độc lập với Nghị viện, Hiến pháp 1787 quy định việc bầu cử Tổng thống không phụ thuộc vào bầu cử Nghị viện. Tổng thống do nhân dân bầu ra theo phương pháp bầu cử gián tiếp, nghĩa là nhân dân bầu ra các đại cử tri, các đại cử tri bầu ra Tổng thống.
Hạt nhân hợp lý của chế độ cộng hoà Tổng thống chính là ở chỗ không những cơ quan lập pháp do nhân dân bầu ra mà cả người đứng đầu chính quyền hành pháp cũng do nhân dân bầu ra. Do không phải Nghị viện trực tiếp tấn phong mà do nhân dân thông qua các đại cử tri tấn phong nên người đứng đầu nhà nước ở đây có một địa vị pháp lý bề thế mà không có mô hình nhà nước hiện đại nào có được. Hiện nay có 42 nước có chính thể cộng hoà Tổng thống.
4. Hình thức chính thể cộng hoà lưỡng tính (Semi – presidential republic)
Hình thức chính thể cộng hoà lưỡng tính hiện nay đang tồn tại ở một số nhà nước tư sản trên thế giới như Pháp, Nga, Hàn Quốc, Singapor, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Ai len, Aiư xơư Len… điển hình nhất của mô hình này là Pháp và Nga. Đặc điểm của chính thể cộng hòa lưỡng tính chính là sự kết hợp các yếu tố của chính thể cộng hoà Nghị viện và cộng hoà Tổng thống.
Theo Hiến pháp 1958 của Pháp Tổng thống do nhân dân trực tiếp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm (trước năm 2002 nhiệm kỳ của Tổng thống là 7 năm). Đây là yếu tố của chính thể cộng hoà Tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống chỉ đứng đầu nhà nước chứ không đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng (đây là yếu tố của chính thể cộng hoà Nghị viện). Tổng thống Pháp theo quy định của Hiến pháp là người có vai trò làm trọng tài điều hoà hoạt động của các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và theo đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ trên cơ sở Đảng chiếm ưu thế trong Nghị viện. Tổng thống có thể chủ toạ các phiên họp của Hội đồng bộ trưởng, bổ nhiệm các thẩm phán, có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại các dự luật đã được hai viện thông qua, có quyền giải tán Hạ nghị viện. Tổng thống cùng với Thủ tướng chia sẻ quyền hành pháp. Chính phủ vừa chịu trách nhiệm trước Tổng thống vừa chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Tổng thống Pháp theo Hiến pháp 1958 là trung tâm của nền chính trị Pháp. Mặc dù quyền lực của Tổng thống Pháp không lớn như Tổng thống Hoa Kỳ, tuy nhiên Tổng thống Pháp cũng có những ưu thế mà Tổng thống Hoa Kỳ không thể có được như có thể giải tán Hạ nghị viện.
Nguyên tắc phân chia quyền lực được áp dụng một cách mềm dẻo, có sự điều hoà, phối hợp giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên thực tế quyền lực của Tổng thống có lớn hay không phụ thuộc vào việc Tổng thống và Thủ tướng có cùng đảng phái hay không? Nếu cùng một đảng phái thông thường quyền lực của Tổng thống rất lớn vì Tổng thống có chỗ dựa của mình là đa số trong Quốc hội. Ngược lại nếu không cùng đảng phái thì Tổng thống và Thủ tướng phải “chung sống hòa bình” và Tổng thống trong nhiều vấn đề chính trị phải nhượng bộ với Thủ tướng vì Thủ tướng có đa số trong Quốc hội làm hậu thuẫn. Cũng đều là mô hình cộng hoà lưỡng tính nhưng nếu Pháp đứng trên thế cân bằng giữa cộng hoà Nghị viện và cộng hoà Tổng thống thì Nga nghiêng nhiều hơn về phía Cộng hoà Tổng thống. Trong khi Hiến pháp 1958 của Pháp quy định (tại Điều 20) Chính phủ quyết định và lãnh đạo đường lối chính trị của dân tộc (Le Gouvernement determine et conduit la politique de la nation) thì Hiến pháp Nga lại trao quyền đó cho Tổng thống. Khoản 3 Điều 80 Hiến pháp cộng hoà liên bang Nga năm 1993 quy định: Tổng thống liên bang Nga theo Hiến pháp và các luật của liên bang quyết định các định hướng chính trị cơ bản cơ bản về đối nội cũng như đối ngoại. Tổng thống liên bang Nga có quyền hạn rất lớn: Có thể bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ tướng chính phủ, theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, đề nghị Hạ nghị viện bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Thống đốc ngân hàng nhà nước, đề nghị Thượng nghị viện (Viện liên bang) bổ nhiệm các thẩm phán Toà án Hiến pháp liên bang, các thẩm phán Pháp viện tối cao liên bang, các thẩm phán Toà án trọng tài tối cao liên bang, đề nghị Thượng nghị viện bổ nhiệm và miễn nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên bang; có thể chủ toạ các phiên họp của Chính phủ, có thể giải tán Chính phủ, giải tán Hạ nghị viện, có thể tổ chức trưng cầu dân ý, có thể gửi các dự luật đến Hạ nghị viện, ký và công bố các đạo luật liên bang; gửi các thông điệp cho Nghị viện thông báo về tình hình của đất nước, về đường lối chính trị đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước. Điều kiện để ứng cử chức vụ Tổng thống là công dân Nga, đủ 35 tuổi, có thời hạn cư trú liên tục tại liên bang Nga không dưới 10 năm. Tổng thống do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 4 năm và không được giữ chức vụ Tổng thống quá hai nhiệm kỳ.
Có thể nói rằng, đặc điểm chung của thể chế cộng hòa lưỡng tính là xây dựng một chính quyền hành pháp mạnh nhưng có các cơ chế kiềm chế và giám sát thích hợp để hạn chế đến mức tối đa sự lạm dụng quyền lực. Có 54 quốc gia trên thế giới theo hình thức chính thể này. Đây là chính thể phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
5. Hình thức chính thể cộng hoà xã hội chủ nghĩa (Single – Party Republic/ Socialist republic)
Hình thức chính thể Cộng hoà xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trong thực tiễn với hai hình thức là Cộng hoà Xô Viết và Cộng hoà dân chủ nhân dân. Hình thức cộng hoà Xô viết tồn tại từ năm 1917 đến năm 1991 ở Nga và các nước thuộc Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết. Hình thức cộng hoà dân chủ nhân dân ra đời sau đại chiến thế giới lần thứ hai (năm 1945) và tồn tại cho đến ngày nay. Các nước xã hội chủ nghĩa có hình thức chính thể cộng hoà dân chủ nhân dân bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba, Lào và các nước xã hội chủ nghĩa Trung và Đông Âu cũ như Ba lan, Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Rumani, Nam Tư, Cộng hoà dân chủ Đức. Các nước xã hội chủ nghĩa Trung và Đông Âu đã chuyển sang mô hình dân chủ tư sản. Mô hình cộng hoà dân chủ nhân dân hiện nay chỉ tồn tại ở 5 nước là Trung Quốc, Việt Nam, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều tiên, Cu Ba, Lào.
Đặc điểm chung của chính thể cộng hoà xã hội chủ nghĩa là xây dựng nhà nước dựa trên các nguyên tắc sau đây: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo sự bình đẳmg và đoàn kết giữa các dân tộc, bảo vệ các quyền con người và công dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền. Hiện nay có 5 quốc gia có chính thể cộng hoà xã hội chủ nghĩa là Việt Nam, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba và Lào.
6. Hình thức chính thể cộng hoà Hồi giáo (Islamic Republic)
Hình thức chính thể cộng hoà Hồi giáo tồn tại ở một số nước có đạo Hồi là quốc đạo như Iran, Irac. ở những nước này cũng xác lập nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, quyền lực nhà nước được phân chia thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, xác lập chế độ dân chủ đa nguyên, thông qua hiến pháp bằng hình thức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên Hiến pháp ở các quốc gia này đều quy định Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở kinh Coran và không được trái với tinh thần của kinh Coran. Chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về thánh Ahla. ở nước cộng hoà Hồi giáo Iran Hiến pháp năm 1979 (sửa đổi năm 1989, năm 1992) quy định tất cả các đạo luật hình sự, dân sự, thương mại, hành chính, lao động v.v… đều được xây dựng phù hợp tinh thần của kinh Coran. Tổng thống do nhân dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm và không quá hai nhiệm kỳ là người nắm quyền hành pháp cao nhất sau lãnh tụ tôn giáo. Mặc dù trên thế giới có khoảng 30 quốc gia Hồi giáo, tuy nhiên chính thể cộng hoà Hồi giáo chỉ được quy định trong Hiến pháp của một số ít nước như Iran, Irac, Apganistan.
7. Hình thức chính thể quân chủ chuyên chế (Absolute Monarchie)
Hình thức chính thể quân chủ chuyên chế là mô hình tổ chức quyền lực phổ biến trong chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Đặc điểm của mô hình này là toàn bộ quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) nằm trong tay Vua (Hoàng đế, Quốc trưởng), chức vụ được thiết lập theo nguyên tắc kế truyền, theo các nguyên tắc trọng nam, trọng trưởng và lãnh thổ không phân chia.
Ngày nay mô hình này chỉ tồn tại ở một số nước như Ôman, Quata, Arập Xêưút, Bruney và cũng không còn hoàn toàn giống như chính thể quân chủ chuyên chế thời kỳ phong kiến.