1. Khái niệm, đặc điểm văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
* Đặc điểm:
– Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.Tên gọi, nội dung và trình tự ban hành văn bản được quy định cụ thể trong pháp luật.
– Có chứa đựng những quy tắc xử sự chung (các quy phạm pháp luật)
– Được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống, trong mọi trường hợp khi có sự kiện pháp lý xảy ra.
– Được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế.
2. Các loại văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam
2.1. Văn bản Luật
Do Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành. Gồm có:
– Hiến pháp: Là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Hiến pháp do quốc hội ban hành hoặc sửa đổi với ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu tán thành.
– Luật (Bộ luật) là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp. Các Bộ luật, luật khi ban hành không được trái với Hiến pháp.
– Nghị quyết.
2.2. Văn bản dưới luật
Do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định ban hành, có giá trị pháp lý thấp hơn văn bản luật và khi ban hành không được trái với văn bản luật. Bao gồm:
– Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
– Nghị định của Chính phủ.
– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
–. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
– Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
– Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.