Từ khi tâm lý học ra đời, có nhiều quan điểm, tư tưởng khác nhau giải thích về bản chất của hiện tượng tâm lý. Khi giải thích về bản chất của tâm lý, Tâm lý học Macxít đưa ra ba luận điểm cơ bản sau đây:
1. Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua hoạt động của chủ thể
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định thế giới khách quan tồn tại ngoài ý thức của chúng ta bao gồm: thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do con người tạo ra, các hiện tượng vật chất và tinh thần…Tâm lý con người không phải do Thượng đế, do Trời sinh ra, cũng không phải do não tiết ra như gan tiết ra mật mà là sự phản ánh thế giới khách quan đó vào não con người thông qua “lăng kính chủ quan” là đời sống của họ. Như vậy nguồn gốc của tâm lý người là hiện thực khách quan.
Thế giới khách quan tồn tại bằng các thuộc tính không gian, thời gian và vận động. Phản ánh là thuộc tính chung của mọi sự vật hiện tượng đang vận động. Nói một cách chung nhất: phản ánh là quá trình tác động qua lại giữa hệ thống này và hệ thống khác, kết quả là để lại dấu vết tác động (hình ảnh) ở cả hệ thống tác động và hệ thống chịu sự tác động.
Phản ánh diễn ra từ đơn giản đến phức tạp và có sự chuyển hóa lẫn nhau: từ phản ánh cơ học (phấn trắng viết lên bảng đen thì bảng có vết và phấn cũng bị mòn; vết trầy, xước do hành vi của bọn tội phạm để lại tại hiện trường), vật lý (gương, mặt nước phản chiếu ánh sáng), hóa học (hóa chất tác dụng với nhau tạo ra chất mới, vết máu đã bị thâm đen để lại tại hiện trường), đến phản ánh sinh học (cây hướng về ánh sáng mặt trời, rễ cây mọc dài về nơi có nước và đất màu mỡ) và phản ánh xã hội, trong đó có phản ánh tâm lý (nhìn thấy bông hoa; ngửi thấy mùi thơm của hoa; rung động trước một bông hoa đẹp; thái độ của chúng ta đối với những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…).
Phản ánh tâm lý là một dạng phản ánh đặc biệt, bởi vì:
– Đó là sự tác động của hiện thực khách quan vào hệ thần kinh, vào bộ não – tổ chức cao nhất của vật chất. Chỉ có hệ thần kinh và bộ não mới có khả năng nhận tác động của hiện thực khách quan, tạo ra trên não hình ảnh tinh thần (tâm lý) chứa đựng vết vật chất, đó là các quá trình sinh lý, sinh hóa ở hệ thần kinh và não bộ. C.Mác nói: tinh thần, tư tưởng, tâm lý…chẳng qua là vật chất được chuyển vào trong đầu óc, biến đổi trong đó mà có.
– Phản ánh tâm lý tạo ra “hình ảnh tâm lý” về thế giới. Hình ảnh tâm lý là kết quả của quá trình phản ánh thế giới khách quan vào não. Song hình ảnh tâm lý khác về chất so với hình ảnh cơ học, vật lý, hóa học, sinh học ở chỗ:
+ Hình ảnh tâm lý mang tính sinh động, sáng tạo. Thí dụ: hình ảnh tâm lý về một tên tội phạm trong đầu chúng ta khác xa về chất với hình ảnh vật lý của chính tên tội phạm đó ở trong gương.
+ Hình ảnh tâm lý mang tính chủ thể, mang đậm màu sắc cá nhân mang hình ảnh tâm lý đó, hay nói khác đi, hình ảnh tâm lý là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Tính chủ thể của hình ảnh tâm lý thể hiện ở chỗ: mỗi chủ thể trong khi tạo ra hình ảnh tâm lý về thế giới đã đưa vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm, cái riêng của mình (về nhu cầu, xu hướng, tính khí, năng lực…) vào trong hình ảnh đó làm cho nó mang đậm màu sắc chủ quan. Như thế, con người phản ánh thế giới bằng hình ảnh tâm lý thông qua “lăng kính chủ quan” của mình.
+ Tính chủ thể trong phản ánh tâm lý thể hiện ở chỗ: cùng nhận sự tác động của thế giới về cùng một hiện thực khách quan nhưng những chủ thể khác nhau cho ta những hình ảnh tâm lý với những mức độ, sắc thái khác nhau; cùng một hiện thực khách quan tác động đến một chủ thể duy nhất nhưng vào các thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau, với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau, có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lý khác nhau ở chủ thể ấy.
– Chính chủ thể mang hình ảnh tâm lý là người cảm nhận, cảm nghiệm và thể hiện nó rất rõ. Cuối cùng, thông qua các mức độ và sắc thái tâm lý khác nhau mà mỗi chủ thể tỏ thái độ, hành vi khác nhau đối với hiện thực.
Sự phản ánh này phụ thuộc vào hoạt động và giao lưu của cá nhân: hoạt động và giao lưu diễn ra như thế nào, sẽ quy định sự phản ánh tâm lý theo hướng đó. Sự phản ánh này còn phụ thuộc vào từng cá nhân: chất lượng của phản ánh như thế nào được quyết định do chính đặc điểm của cá nhân đó (nhu cầu sở thích, hứng thú, tính cách, năng lực…). Tức là cùng một hiện thực khách quan song mỗi cá nhân phản ánh theo cách riêng của mình. Điều đó giải thích vì sao tâm lý của người này lại khác với tâm lý của người khác.
Như thế, tâm lý người chính là sự thống nhất giữa cái khách quan và cái chủ quan, giữa cái chung và cái riêng.
Từ luận điểm nói trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận thực tiễn:
– Tâm lý có nguồn gốc là thế giới khách quan, vì thế khi nghiên cứu cũng như khi hình thành, cải tạo tâm lý người phải nghiên cứu hoàn cảnh trong đó con người sống và hoạt động.
– Tâm lý người mang tính chủ thể, vì thế trong các quan hệ ứng xử phải chú ý nguyên tắc sát đối tượng (chú ý đến cái riêng trong tâm lý mỗi người).
Tâm lý là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, vì thế phải tổ chức các hoạt động và giao tiếp để nghiên cứu sự hình thành và phát triển tâm lý con người.
2. Tâm lý người là sự lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người biến thành kinh nghiệm riêng của mỗi người thông qua hoạt động của họ
Từ khi loài người mới xuất hiện trên trái đất thì con người đã có một loại hiện tượng rất đặc thù; đó là hiện tượng tâm lý người.
Hiện tượng tâm lý người là sản phẩm của lịch sử xã hội mà bằng hoạt động của mình, từng cá nhân đã chuyển nó thành tâm lý riêng của bản thân. Tâm lý con người khác xa so với tâm lý của các loài động vật cao cấp ở chỗ: tâm lý người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.
Bản chất xã hội và tính lịch sử của tâm lý người thể hiện ở chỗ:
– Tâm lý người có nguồn gốc là thế giới khách quan (thế giới tự nhiên và xã hội) trong đó nguồn gốc xã hội là cái quyết định. Phần xã hội của thế giới quyết định tâm lý người thể hiện ở các quan hệ kinh tế xã hội, các quan hệ đạo đức, pháp quyền, các mối quan hệ con người con người từ quan hệ gia đình, làng xóm, quê hương cho đến các quan hệ nhóm, các quan hệ cộng đồng…Các mối quan hệ này quyết định bản chất tâm lý người (bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội).
– Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp của con người trong các mối quan hệ xã hội. Con người vừa là một thực thể tự nhiên lại vừa là một thực thể xã hội. Là một thực thể xã hội, con người là chủ thể của nhận thức, hoạt động, giao tiếp với tư cách là một chủ thể tích cực, chủ động, sáng tạo. Tâm lý của con người là sản phẩm của con người với tư cách là chủ thể xã hội, vì thế tâm lý người mang đầy đủ dấu ấn xã hội lịch sử của con người.
– Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả của quá trình lĩnh hội, tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội, nền văn hóa xã hội thông qua hoạt động và giao tiếp (vui chơi, lao động, học tập..) trong đó giáo dục giữ vai trò chủ đạo, hoạt động và giao tiếp của con người trong xã hội có tính quyết định.
Luận điểm này thể hiện rõ bản chất xã hội trong tâm lý con người; tức là tâm lý con người vừa có nội dung xã hội, lại vừa có nguồn gốc xã hội. Nói tâm lý người có nguồn gốc xã hội, có nghĩa muốn có tâm lý bình thường thì con người phải được sống và hoạt động trong xã hội loài người. Tách con người ra khỏi xã hội loài người thì con người sẽ không có tâm lý hoặc tâm lý không bình thường. Còn nói tâm lý người có nội dung xã hội, có nghĩa nó chứa đựng những mối quan hệ xã hội mà người đó là thành viên. Điều này giải thích tâm lý con người ở những thời đại, những giai đoạn lịch sử khác nhau thì khác nhau.
3.Tâm lý là chức năng của não
Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, vật chất có trước, tâm lý có sau; vật chất quyết định tâm lý, ý thức. Tuy nhiên, không phải ở đậu có vật chất thì ở đó có tâm lý. Chỉ có dạng vật chất có tổ chức đặc biệt, phát triển cao nhất trong lịch sử tiến hóa vật chất mới sinh ra tâm lý; đó là bộ não.
Bộ não nhận tác động của thế giới dưới dạng xung động thần kinh cũng như biến đổi lý, hóa ở từng nơ-ron thần kinh, từng xi-nap, các trung khu thần kinh ở bộ phận dưới vỏ và vỏ não, làm cho não bộ trở nên hoạt động theo quy luật thần kinh tạo nên hiện tượng tâm lý.
Hoạt động của não (thực chất là hoạt động của hệ thần kinh cấp cao) là cơ chế sinh lý thần kinh của hoạt động tâm lý. Não sinh ra hình ảnh tâm lý theo cơ chế phản xạ. Một kích thích từ bên ngoài tác động vào cơ thể, trong điều kiện bình thường, gây ra trong cơ thể một phản xạ gồm ba khâu: khâu dẫn vào, khâu trung tâm và khâu dẫn ra. Ba khâu này hợp thành một cung phản xạ. Hiện tượng tâm lý trước hết gắn bó với khâu trung tâm của phản xạ. Chính ở đây cũng tạo nên sự khác biệt về phản xạ ở các cá thể: cùng một tác động với chỉ số như nhau (cường độ, kích thước, thời gian…) có thể tạo ra các phản xạ khác nhau với các “giai tầng” tâm lý rất khác nhau. Học thuyết về hoạt động thần kinh cấp cao của I.P.Páplốp đã chứng minh: Hoạt động tâm lý vừa là hoạt động phản ánh, vừa là hoạt động phản xạ.