Hộ kinh doanh là một mô hình kinh doanh khá phổ biến đối với những cá nhân muốn kinh doanh nhỏ lẻ, đơn giản. Với quy mô nhỏ, vậy hộ kinh doanh được sử dụng tối đa bao nhiêu lao động? Để tìm hiểu về vấn đề này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
1. Hộ kinh doanh được sử dụng bao nhiêu lao động?
Hiện nay, pháp luật không giới hạn số lượng người lao động của hộ kinh doanh, vì vậy hộ kinh doanh có thể tuyển dụng lao động theo nhu cầu sử dụng. Cụ thể:
Trước đây, theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hộ kinh doanh bao gồm các đặc điểm như sau:
– Do 01/nhiều cá nhân/hộ gia đình với các thành viên từ đủ 18 tuổi, năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ
– Đăng ký kinh doanh tại một địa điểm xác định
– Sử dụng dưới 10 người lao động
– Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình
Tuy nhiên, hiện nay, theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về giới hạn số lượng lao động của hộ kinh doanh, cụ thể hộ kinh doanh hiện nay có các đặc điểm sau:
– Do một cá nhân/các thành viên trong một hộ gia đình đăng ký thành lập
– Chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình.
– Chủ hộ kinh doanh và các thành viên hộ kinh doanh (nếu có) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có thể kinh doanh ở nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm cố định để làm trụ sở.
Do đó, hộ kinh doanh không bị giới hạn phải dưới 10 lao động, thay vào đó hộ kinh doanh có thể sử dụng lao động tuỳ theo nhu cầu, mục đích và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh.
2. Hộ kinh doanh sử dụng từ bao nhiêu lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP không còn bắt buộc hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp khi sử dụng từ 10 người lao động trở lên.
Trrước ngày 04/01/2021 (thời điểm Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực), hộ kinh doanh không được phép sử dụng quá 09 người lao động, nếu có từ 10 người lao động trở lên thì hộ kinh doanh buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định 01/2021/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 04/01/2021, thay thế cho nghị định 78/2015/NĐ-CP thì không còn quy định này nữa.
Vì vậy, nếu hộ kinh doanh có số lượng người lao động từ 10 người trở lên cũng không bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
3. Hộ kinh doanh có được ký hợp đồng lao động không?
Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh được ký kết hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp, cơ quan, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận được coi là người sử dụng lao động.
Thêm vào đó, Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về công việc, tiền lương, tiền công, điều kiện môi trường làm việc và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng.
Do đó, hộ kinh doanh có quyền ký kết hợp đồng lao động với người lao động.
Căn cứ Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động bắt buộc lập thành văn bản, người lao động giữ 01 bản và người sử dụng lao động giữ 01bản. Hợp đồng lao động cũng có thể được giao kết bằng lời nói nếu hợp đồng lao động đó có thỏa thuận thời hạn lao động dưới 01 tháng.
Hộ kinh doanh có thể ký:
– Hợp đồng lao động không có xác định thời hạn (tức hợp đồng lao động không quy định thời gian kết thúc/chấm dứt hợp đồng lao động)
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn (là loại hợp đồng có thời hạn từ 36 tháng trở xuống)