Hợp đồng lao động là một trong những giấy tờ pháp lý quan trọng trong việc ghi nhận thỏa thuận lao động giữa các bên. Trong đó có ghi rõ về vị trí, nội dung công việc, nơi làm việc,… Vậy chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động có bị phạt?
1. Hợp đồng lao động có bắt buộc có nội dung về công việc, địa điểm làm việc?
Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, nội dung trong hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
-
Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
-
Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
-
Công việc và địa điểm làm việc;
-
Thời hạn của hợp đồng lao động;
-
Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
-
Chế độ nâng bậc, nâng lương;
-
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
-
Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
-
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
-
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Như vậy, một hợp đồng lao động phải có đầy đủ các nội dung trên và nội dung thỏa thuận về công việc và địa điểm làm việc là một trong những nội dung bắt buộc.
Điều này sẽ giúp người lao động biết được chi tiết về công việc của mình, bảo vệ giúp người sử dụng lao động không được phép tự ý giao các công việc trái hợp đồng hoặc cố tình điều chuyển địa điểm làm việc của người lao động.
2. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động có bị phạt?
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo đó:
-
Trường hợp tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải thông báo trước cho người lao động trước ít nhất 03 ngày và phải được người lao động động ý. Nếu có hành vi không báo trước 03 ngày hoặc tệ hơn là không thông báo thì người sử dụng lao động, tạm thời bố trí công việc không phù hợp với tình trạng sức khỏe thì bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu.
-
Trường hợp người sử dụng lao động cố ý chuyển người làm việc khác so với hợp đồng lao động mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với người lao động từ trước, cũng như không được sự đồng ý của người làm động thì bị phạt từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.
Như vậy, nếu chuyển người lao động làm công việc khác mà không báo trước và không được sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị xử phạt như trên.
3. Chế độ tiền lương khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: “Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Theo đó, người lao động khi chuyển sang công việc khác so với hợp đồng lao động sẽ có các quyền lợi sau:
-
Được trả lương dựa trên công việc mới, điều này giúp đảm bảo người lao động được trả lương phù hợp với vị trí, công việc của mình. Tuy nhiên, trường hợp công việc mới có mức lương thấp hơn công việc cũ thì sẽ được giữ mức lương cũ trong 30 ngày làm việc.
-
Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tại khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc.
Đồng thời, tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 có quy định trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
-
Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
-
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
-
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, người lao động khi làm công việc khác so với hợp đồng sẽ được nhận các quyền lợi như trên. Ngoài ra, người lao động có quyền không đồng ý với việc tạm thời chuyển việc quá 60 ngày làm việc trong 1 năm mà phải ngừng việc thì sẽ được nhận lương ngừng việc.