Liên quan đến vấn đề công chứng giấy khai sinh, mọi người có khá nhiều thắc mắc. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nội dung này.
1. Công chứng giấy khai sinh có cần bản gốc không?
Công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc chứng nhận và đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch/hợp đồng dân sự. Còn chứng thực là việc xác nhận bản sao đúng với bản chính. Theo đó, sao y từ bản chính giấy khai sinh là thủ tục chứng thực chứ không phải là công chứng.
Tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, quy định chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 77 Luật Công chứng 2014, thì việc chứng thực bản sao phải dựa trên bản chính. Như vậy, khi chứng thực giấy khai sinh bắt buộc phải có bản gốc của giấy khai sinh.
2. Công chứng giấy khai sinh ở đâu?
Như đã phân tích ở trên, công chứng giấy khai sinh chính là chứng thực bản sao giấy khai sinh từ bản chính. Theo đó, thẩm quyền chứng thực giấy khai sinh được áp dụng tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Ủy ban Nhân dân xã/phường. Người ký và đóng dấu là Chủ tịch/Phó Chủ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường.
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Người ký và đóng dấu là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp.
Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự sẽ chứng thực.
Tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên là người thực hiện chứng thực.
Khi có nhu cầu chứng thực giấy khai sinh, thì công dân có thể có tới 4 cơ quan trên tại bất cứ địa phương nào để chứng thực. Khi đi chứng thực phải cầm đủ giấy tờ, bản chính giấy khai sinh để thực hiện.
Trong trường hợp, giấy khai sinh do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì bạn phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy khai sinh trước khi yêu cầu cơ quan chứng thực.
3. Công chứng giấy khai sinh hết bao nhiêu tiền?
Các tổ chức có thẩm quyền lệ phí chứng thực giấy khai sinh bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã; Phòng Tư pháp và Văn phòng công chứng. Lệ phí chứng thực khai sinh được quy định tại Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC.
Cụ thể: 2.000 đồng/trang. Từ trang thứ 3 trở lên thì mỗi trang thu 1.000 đồng/trang. Và mỗi bản công chứng không quá 200.000 đồng.
Giấy khai sinh chỉ có 1 trang, nên khi chứng thực người yêu cầu chứng thực sẽ phải trả phí 2.000 đồng.
Trong danh sách được miễn lệ phí chứng thực thì không bao gồm giấy khai sinh nên mọi trường hợp đi chứng thực giấy khai sinh bắt buộc phải nộp lệ phí cho cơ quan chứng thực.
4. Công chứng giấy khai sinh có thời hạn bao lâu?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì giá trị pháp lý của bản sao giấy khai sinh được chứng thực từ bản chính sẽ tương đương với giá trị pháp lý của bản chính. Khi không có bản chính thì bạn có thể sử dụng bản sao được chứng thực từ bản chính để đối chiếu trong các giao dịch khác.
Bên cạnh đó, tại Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP đều không quy định về thời hạn của bản sao giấy khai sinh chứng thực từ bản chính.
Có thể hiểu, nếu bản chính giấy khai sinh bị thay đổi hoặc hết hạn thì bản sao chứng thực đương nhiên sẽ bị hết hạn.