Cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liến với nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó mà không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác.
1. Cấp dưỡng là gì?
Cấp dưỡng là việc một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Cấp dưỡng còn là biện pháp chế tài đối với người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu; giữa vợ và chồng (Điều 107).
2. Mức cấp dưỡng là bao nhiêu?
Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc xác định mức cấp dưỡng giữa cha mẹ với con dựa trên hai yếu tố chính: các nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng của người con và khả năng tài chính trên thực tế của cha, mẹ.
2.1. Mức cấp dưỡng được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người con được cấp dưỡng
Ngoại trừ những nhu cầu chung mà bất cứ một cá nhân nào cũng cần được đáp ứng để duy trì sự sống (như ăn, mặc, ở), nhu cầu thiết yếu của mỗi người thường được xác định dựa trên độ tuổi. Càng ở độ tuổi phát triển, nhóm nhu cầu thiết yếu càng có xu hướng mở rộng hơn. Chẳng hạn, bên cạnh những nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống, người ta bắt đầu hình thành nhu cầu học tập, đi lại, thông tin liên lạc. Cùng với đó, nhu cầu thiết yếu còn được xác định trên hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Có những nhu cầu là cần thiết với người này nhưng với người khác lại không được đặt ra. Ví dụ như với một số người, việc khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết, nhưng cũng có những người gần như không có nhu cầu này trên thực tế. Vì vậy, mặc dù nhu cầu thiết yếu là những yêu cầu cơ bản đối với tất cả mọi người, nhưng việc xác định nhu cầu cụ thể của một người trên thực tế lại cần có sự xem xét cẩn trọng từ nhiều yếu tố và cơ sở khác nhau.
Dưới góc độ văn bản pháp luật và thực tiễn xét xử, có thể nhận thấy rằng, liên quan đến người được cấp dưỡng, mức cấp dưỡng chủ yếu được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người này. Tuy vậy, việc giới hạn mức cấp dưỡng trong phạm vi những nhu cầu thiết yếu trong một số trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Khi xét đến mức cấp dưỡng cho người con, pháp luật Hoa Kỳ luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh về mọi mặt của người con. Theo đó, các yếu tố được chú trọng bao gồm: nguồn tài chính của con, mức sống mà người con có thể được hưởng nếu cha mẹ không ly hôn, điều kiện về thể chất, tinh thần và những nhu cầu về giáo dục của trẻ. Điều này cho thấy việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ luôn hướng đến sự ổn định trong đời sống của con. Nói cách khác, pháp luật hỗ trợ tối đa để quyền lợi của trẻ không thay đổi trong hoàn cảnh được nuôi dưỡng hay cấp dưỡng. Nhu cầu thiết yếu lúc này chỉ được xem xét như là một trong những yếu tố để xác định điều kiện sống của trẻ.
2.2. Mức cấp dưỡng được xác định trên khả năng tài chính của cha mẹ
Khả năng tài chính của cha mẹ có thể được đánh giá thông qua giá trị tài sản mà cha, mẹ sở hữu, nguồn thu nhập cũng như những nghĩa vụ tài sản mà cha, mẹ phải thực hiện. Trong đó, việc xác định nguồn thu nhập của cha mẹ không phải là điều đơn giản. Khái niệm “thu nhập” được hiểu rất khác biệt đối với từng ngành luật khác nhau. Thu nhập được xác định để tính mức cấp dưỡng nên là những nguồn thu có tính ổn định. Điều này xuất phát từ tính chất quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Thông thường, mức cấp dưỡng được định sẵn trong một khoảng thời gian dài, những khoản thu nhập tăng hoặc giảm có tính “đột biến” chỉ nên được xác định để yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ này cần được diễn ra một cách ổn định để không tạo nên biến động lớn trong đời sống của con được cấp dưỡng.
Vấn đề đặt ra ở đây là ngoài những nguồn thu xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…, các khoản tiền trợ cấp của cha, mẹ có được xác định là thu nhập để cấp dưỡng hay không. Nếu nguồn thu duy nhất của cha, mẹ là trợ cấp liên quan đến người có công với cách mạng hay các khoản trợ cấp khác thì liệu rằng chúng ta có nên “chia sẻ” một phần số tiền này để cấp dưỡng cho con? Pháp luật Hôn nhân và gia đình vẫn chưa nêu ra quy định cụ thể cho vấn đề này.
“Đôi khi các Toà án băn khoăn rằng việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có được phép yêu cầu sử dụng đến cả những khoản trợ cấp tàn tật hay không. Vào năm 1987, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố trong án lệ Rose v Rose rằng: pháp luật Liên bang không cản trở việc giữ lại một phần tiền trợ cấp thương tật của cựu chiến binh để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (cho dù pháp luật thành văn đã quy định rằng khoản tiền này không là đối tượng của việc tịch thu hoặc là bất cứ dạng thức nào khác của việc chiếm đoạt)”. Để xác định các khoản thu nhập được sử dụng vì mục đích cấp dưỡng con, pháp luật cũng như án lệ đã cố gắng cụ thể hoá những khoản thu này như: trợ cấp thôi việc, trợ cấp tàn tật, tiền bồi thường thiệt hại thương tật, lương hưu, tài sản chắc chắn được tặng cho, tiền cho vay, tiền thừa kế, cũng như những khoản phúc lợi xã hội khác.
Việc sử dụng các khoản thu nhập của cha mẹ để xác định mức cấp dưỡng cho con là điều hợp lý. Quan hệ cấp dưỡng cần hướng đến sự hỗ trợ tốt nhất có thể giữa cha, mẹ đối với con. Mặc dù thu nhập trước hết phải được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cha, mẹ. Các khoản tiền trợ cấp của cha, mẹ vẫn có thể được sử dụng để cấp dưỡng cho con nếu các nhu cầu thiết yếu của cha, mẹ đã được đáp ứng.
Như đã phân tích trước đó, việc xác định mức cấp dưỡng thường được xác định dựa trên nhu cầu chính đáng của con và khả năng cấp dưỡng của cha, mẹ. Trên thực tế, Toà án thường căn cứ vào mức lương cơ bản để xác định mức cấp dưỡng cụ thể. Trong một vụ việc, Toà án đã từng tuyên “án sơ thẩm tuyên buộc ông H chịu mức cấp dưỡng nuôi con là 365.000 đồng/tháng, vào thời điểm tháng 3/2011 lương cơ bản là 730.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử phúc thẩm thì lương cơ bản là 830.000 đồng/tháng. Nên cần điều chỉnh lại mức cấp dưỡng tại thời điểm xét xử phúc thẩm là 415.000 đồng/tháng…”.
Như vậy, Toà án đã căn cứ vào mức lương cơ bản để xác định mức cấp dưỡng cho con, với mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ bản. Mức cấp dưỡng này là khá thấp, không đủ để đảm bảo quyền lợi của trẻ. Nhưng có một lưu ý là bên cạnh quyền được cấp dưỡng, con còn được bên cha, mẹ còn lại trực tiếp nuôi dưỡng – và vì thế, trách nhiệm chăm sóc và hỗ trợ để con phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần được cha, mẹ cùng nhau san sẻ thực hiện.
Pháp luật các bang ở Hoa Kỳ thường quy định mức cấp dưỡng tối thiểu. Tuy vậy, con vẫn được cấp dưỡng trong khả năng chi trả của cha, mẹ. Vấn đề đặt ra là thế nào là “giới hạn thích hợp” khi cha mẹ không phải lúc nào cũng có một khoản thu nhập lớn. Các bang thường áp dụng một trong ba cách sau: xác định mức cấp dưỡng dựa trên thu nhập cao hơn của bên cha hoặc mẹ; đưa ra mức cấp dưỡng cao nhất dựa trên những nhu cầu đặc biệt và mức sống của người con trước khi cha mẹ ly hôn; trong một số trường hợp, Toà án không áp dụng nguyên tắc mà tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Các nguyên tắc trên được áp dụng cho cả trường hợp cha, mẹ ly hôn, cũng như trường hợp cha, mẹ chưa từng tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Có thể thấy rằng, pháp luật Hoa Kỳ vừa đặt ra những giới hạn nhất định cho việc cấp dưỡng, nhưng đồng thời, mức cấp dưỡng cụ thể cũng là sự vận dụng quy định một cách rất linh hoạt của Toà án. Điều này là vô cùng cần thiết để quyền lợi của con và cha, mẹ tồn tại một cách hài hoà trong quan hệ cấp dưỡng.
Tương tự như vậy, chúng tôi cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể hơn về mức cấp dưỡng tối thiểu. Theo cách thức mà rất nhiều Toà án đã đưa ra, mức cấp dưỡng có thể được tính theo mức lương cơ sở theo từng thời điểm khác nhau. Trong hoàn cảnh các nhu cầu cần được đáp ứng ngày càng mở rộng, mức cấp dưỡng không nên thấp hơn ¾ mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mặc dù bên cấp dưỡng hay bên trực tiếp nuôi dưỡng đều có nghĩa vụ đóng góp tài sản để nuôi dạy con, tuy vậy, mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ sở như trong nhiều trường hợp là chưa thực sự đảm bảo quyền lợi của con. Hơn nữa, bên trực tiếp nuôi dưỡng con cần được san sẻ bớt gánh nặng về mặt tài chính trong việc nuôi dạy con.