Khắc phục hậu quả là một trong các nghĩa vụ mà người phải thi hành án hình sự phải thực hiện. Vậy khắc phục hậu quả trong thi hành án hình sự được thực hiện thế nào? Khắc phục hậu quả có được giảm án không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Khắc phục hậu quả trong thi hành án hình sự là gì?
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về khái niệm “khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên, dựa vào thực tế của hoạt động khắc phục hậu quả trong thi hành án hình sự thì có thể hiểu khắc phục hậu quả chính là việc mà người phạm tội hoặc người thân của người đó thực hiện khắc phục những thiệt hại đã xảy ra một cách gián tiếp hoặc trực tiếp do chính hành vi phạm tội gây ra mà không thể bồi thường hay sửa chữa được.
Bên cạnh việc xem “khắc phục hậu quả” là một trong các nghĩa vụ của người thi hành án hình sự phải thực hiện thì “khắc phục hậu quả” còn được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ và là căn cứ để đánh giá xếp loại thi hành án, xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù đối với người phạm tội.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì khắc phục hậu quả được xem là một trong những tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc khắc phục hậu quả ở đây phải do người phạm tội tự nguyện thực hiện mà không phải chịu bất sự ép buộc, cướng chế từ ai.
Tại điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP thì “khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra” cũng được xem là một trong các tiêu chí để đánh giá người chấp hành án phạt tù được loại tốt và từ đó được xem là căn cứ để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Như vậy, khắc phục hậu quả không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là căn cứ để Toà án có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ hình phạt, xét giảm thời gian thi hành án phạt tù của người phạm tội.
2. Khắc phục hậu quả có được giảm án không?
Như đã phân tích trên thì khắc phục hậu quả được xem là một trong những căn cứ để xét giảm án cho người phạm tội.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi trường hợp thực hiện khắc phục hậu quả đều được xem là căn cứ để giảm án. Bởi vì trên thực tế có nhiều hành vi phạm tội gây nên thiệt hại lớn nhưng người phạm tội chỉ tự nguyện khắc phục hậu quả một cách “đối phó”, không đảm bảo để khắc phục một phần của thiệt hại.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp chỉ khi bị tuyên án ở mức án cao không mong muốn thì mới thực hiện khắc phục hậu quả với quan điểm nộp tiền để thay cho việc đi tù…
Do đó, việc xem xét tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện khắc phục hậu quả” của người phạm tội trên thực tế còn nhiều vướng mắc, đôi khi chưa thực hiện đúng bản chất của quy định này.
Trước đây, Hội đồng thẩm phán của Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định cụ thể về việc xác định những trường hợp “khắc phục hậu quả” nào được xem xét để giảm án cho người phạm tội.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì văn bản này đã được Toà án nhân dân tối cao tuyên bố là hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có văn bản thay thế.
Do đó, vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Toà án vẫn áp dụng các điều kiện được quy định trong Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP nêu trên để xác định những căn cứ “khắc phục hậu quả” hợp lệ. Cụ thể các điều kiện được quy định như sau:
-
Việc khắc phục hậu quả phải được người phạm tội thực hiện một cách tự nguyện, không bị cưỡng chế, tác động bởi bất kỳ ai;
-
Thời điểm thực hiện khắc phục hậu quả phải thực hiện trước khi Toà tuyên án để tránh trường hợp khắc phục đối phó;
-
Mức độ khắc phục phải tương xứng với mức độ thiệt hại đã xảy ra do hành vi phạm tội gây nên. Trên thực tế, pháp luật hiện hành chưa quy định mức khắc phục là bao nhiêu mà để cho người phạm tội tự nguyện khắc phục nhưng để bảo đảm cho sự công bằng thì Toà án sẽ xem xét mức khắc phục có tương xứng với mức độ thiệt hại hay không để quyết định giảm nhẹ.
Lưu ý, đối với trường hợp phạm tội Tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành mà bị kết án tử hình thì người phạm tội phải chủ động nộp lại ít nhất bằng ¾ số tài sản đã tham ô, ăn hối lộ và có thái độ tích sự trong làm việc với cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, việc khắc phục hậu quả được xem là căn cứ để giảm nhẹ án nhưng cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Trong tương lai có thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thể ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP nêu trên và quy định rõ hơn về vấn đề này nhưng Hieuluat.vn tin rằng những quy định mới vẫn sẽ dựa trên tinh thần của quy định trên để bảo đảm tính công bằng, nhân văn trong xét xử hiện nay.
3. Cách nộp tiền khắc phục hậu quả?
Về bản chất, pháp luật luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên trong các vấn đề dân sự, hình sự.
Do đó, khi xảy ra hậu quả do hành vi phạm tội gây nên thì người phạm tội có thể liên hệ với bị hại, thoả thuận về việc khắc phục hậu quả và khắc phục trực tiếp cho bị hại.
Trong trường hợp này, bị hại sẽ xác nhận với cơ quan tiến hành tố tụng về việc người phạm tội đã tự nguyện khắc phục hậu quả cho mình.
Bên cạnh đó, người phạm tội có thể nộp tiền khắc phục hậu quả cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền đó chuyển lại cho bị hại.