1. Định tội danh là gì?
1.1. Khái niệm định tội danh
Để thực hiện được việc định tội danh đúng, chính xác và đầy đủ, chúng ta cần làm rõ khái niệm định tội danh, về khái niệm định tội danh, hiện nay có các quan điểm khác nhau
Ở Việt Nam, cũng có một số nhà khoa học luật hình sự khi bàn về khái niệm định tội danh đã đưa ra một số quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, định tội danh là một trong những giai đoạn hoạt động áp dụng pháp luật do các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tiến hành. Các cơ quan này căn cứ vào các tình tiết của vụ án, xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của một hành vi cụ thể nào đó để quyết định xem hành vi đó có đủ dấu hiệu của một cấu thành tội phạm đã được pháp luật hình sự quy định hay chưa.
Quan điểm thứ hai cho rằng, định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ, thể đã được thực hiện vội các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định.
Quan điểm thứ ba cho rằng: “Định tội danh là một quá trình nhận thức lý luận có tính logic, là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng như pháp luật tố tụng hình sự, và được tiến hành bằng cách: trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng do luật hình sự quy định, nhằm xác định được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hoá và phân hóa trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật”.
Từ các quan điểm trên có thể thấy rằng: Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định.
1.2. Đặc điểm của định tội danh
Định tội danh có hai đặc trưng cơ bản đó là:
Thứ nhất, định tội danh là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự bao gồm việc tiến hành đồng thời 3 quá trình:
- Xác định đúng, khách quan các tình tiết thực tế vụ án;
- Nhận thức đúng nội dung của các quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Lựa chọn đúng quy phạm pháp luật hình sự để đối chiếu chính xác, đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong quy phạm đó với các tình tiết của hành vi được thực hiện trong thực tế.
Thứ hai, quá trình định tội danh bao gồm 3 giai đoạn cơ bản:
- Làm sáng tỏ những dấu hiệu chung đặc trưng nhất của hành vi.
- Làm sáng tỏ hành vi phạm tội đó thuộc loại tội phạm nào và được quy định ở chương nào của Bộ luật Hình sự
- Chỉ rõ cấu thành tội phạm về tội cụ thể nào được áp dụng.
2. Quá trình thực hiện định tội danh
Định tội danh chính là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự nhằm xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định. Định tội danh được tiến hành đồng thời ba quá trình:
Quá trình thứ nhất, xác định chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ các tình tiết thực tế của vụ án.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải xác định được tất cả các tình tiết cần thiết của vụ án phù hợp với hiện thực khách quan. Để định tội danh đúng cần phải xác định đầy đủ và chính xác các tình tiết cần thiết của hành vi, phạm tội, các tình tiết này liên quan đến khách thể và mặt chủ quan của tội phạm.
Có thể nói, xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, tức là phải xem xét hành vi phạm tội trên tất cả các mặt của các yếu tố cấu thành tội phạm trong một tổng thể có mối quan hệ biện chứng với nhau, không tách rời nhau. Trên cơ sở tất cả các chứng cứ đã thu thập được, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, kể cả chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc, các lời khai và vật chứng…
Quá trình thứ hai: nhận thức đúng nội dung các quy định trong Bộ luật hình sự.
Nhận thức đúng các quy định của Bộ luật hình sự trong Phần chung cũng như từng tội phạm cụ thể ở Phần các tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với định tội danh. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật hình sự trong khi định tội danh là điều bắt buộc, đồng thời là để thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Quá trình thứ ba, xác định mối quan hệ giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội thực tế với các dấu hiệu được quy định trong các yếu tố cấu thành tội phạm của luật hình sự.
Việc định tội danh không phải là một hoạt động đơn giản chỉ cần biết tuân thủ các quy định của pháp luật là đủ, mà đó là một hoạt động nghiệp vụ pháp lý phức tạp, một hoạt động mang tính nhận thức của người tiến hành định tội danh.
3. Phân loại định tội danh
Căn cứ vào chủ thể thực hiện việc định tội danh, khoa học luật hình sự chia định tội danh thành 2 nhóm: Một là, định tội danh chính thức; Hai là, định tội danh không chính thức.
Thứ nhất, Về định tội danh chính thức:
Định tội danh không chính thức là sự đánh giá về mặt nhà nước tính chất pháp lý hình sự của một hành vi phạm tội cụ thể do các chủ thể được Nhà nước uỷ quyền thực hiện. Định tội danh chính thức có các đặc điểm sau:
+ Về chủ thể của định tội danh chính thức: Chỉ có thể là người tiến hành tố tụng. Bao gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
+ Về hậu quả pháp lý của định tội danh chính thức: Những đánh giá, những kết luận của chủ thể của định tội danh chính thức là cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án, để áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Là cơ sở để ra bản kết luận điều tra, bản cáo trạng và ra bản án.
Thứ hai, về định tội danh không chính thức
Định tội danh không chính thức là sự đánh giá không phải về mặt Nhà nước tính chất pháp lý hình sự của một hành vi phạm tội cụ thể. Định tội danh không chính thức có các đặc điểm sau:
+ Về chủ thể của định tội danh không chính thức: Là ngoài nhóm chủ thể của định tội danh chính thức. Thông thường chủ thể của định tội danh không chính thức là những người làm công tác nghiên cứu thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, sách giáo khoa, bài báo. Hoặc là luật gia, luật sư hay bất kỳ người nào quan tâm đến việc nghiên cứu một vụ án hình sự cụ thể đưa ra những bình luận về vụ án đó về phương diện định tội danh.
+ Về hậu quả pháp lý của định tội danh không chính thức: Định tội danh không chính thức không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên có liên quan trong vụ án mà chỉ là sự thể hiện ý kiến, quan điểm riêng của các chủ thể này như là sự thể hiện phương pháp nhận thức pháp luật hình sự.
4. Ý nghĩa của việc định tội danh đúng
Định tội danh là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng pháp luật hình sự và là một trong những biện pháp đưa các quy phạm pháp luật hình sự vào cuộc sống. Định tội danh còn là tiền đề, là cơ sở cho việc ấp dụng các quy phạm pháp luật khác của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Chẳng hạn, trong quá trình xét xử, thì chỉ sau khi thực hiện xong việc định tội danh, Toà án mới có cơ sở để giải quyết vấn đề áp dụng hình phạt này hay hình phạt khác đối với người phạm tội…
Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, việc định tội danh đúng có ý nghĩa không chỉ về pháp luật mà cả về mặt chính trị – xã hội. Bởi lẽ, định tội danh đúng sẽ là cơ sở cho việc định khung hình phạt đúng và là tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời để áp dụng chính xác các quy định của Bộ luật hình sự về các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vị, hình phạt, tái phạm, quyết định hình phạt trong trường hợp nhiều tội phạm… Định tội danh đúng còn là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, thời hạn tạm giam, thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử… góp phần có hiệu quả vào việc bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Ngược lại, nếu định tội danh sai sẽ dẫn đến các hiệu quả tiêu cực như không bảo đảm được tính công minh, có càn cứ và đúng pháp luật của hình phật được quyết định, làm oan người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, thậm chí xâm phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm, các quyền tự do của công dân cũng như xâm phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời còn làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm…