Bấm còi, rú ga liên tục là hành vi vi phạm quy tắc về giao đường bộ. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm và loại phương tiện giao thông vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Quy định về sử dụng còi
Theo quy định tại Điều 21 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong các trường hợp sau đây:
– Báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông;
– Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
2. Hành vi bấm còi, rú ga liên tục bị xử phạt như thế nào?
2.1. Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. (Điểm c Khoản 3 Điều 6 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. (Điểm c Khoản 10 Điều 6 NĐ 100)
2.2. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bấm còi, rú ga liên tục thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điểm b Khoản 3 Điều 5 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 NĐ 100)
2.3. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng bấm còi, rú ga liên tục thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm d Khoản 3 Điều 7 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung: Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng. (Điểm b Khoản 10 Điều 7 NĐ 100)