Người lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có phải làm thêm giờ không? Doanh nghiệp nếu vi phạm quy định về làm thêm giờ đối với lao động nữ nuôi con nhỏ bị xử lý như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Người lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có phải làm thêm giờ không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp không được sử dụng người lao động làm thêm giờ trong những trường hợp sau đây:
– Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
– Đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, nếu lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi đồng ý làm thêm giờ thì doanh nghiệp được sử dụng lao động. Ngược lại, nếu người lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng không đồng ý làm thêm giờ thì không phải làm thêm giờ.
Ngoài ra, trường hợp lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho doanh nghiệp biết thì được doanh nghiệp chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
2. Quy định của pháp luật về giới hạn số giờ làm thêm nếu người lao động nữ nuôi con nhỏ đồng ý làm thêm giờ
Theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định về làm thêm giờ:
Điều 107. Làm thêm giờ
…
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
..
Bên cạnh đó, tại Điều 1, Điều 2 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm; trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng và phải được sự đồng ý của người lao động, trừ những trường hợp sau:
– Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
– Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
– Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
– Lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ nếu được người lao động đồng ý và phải đảm bảo:
– Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày.
– Trường hợp áp dụng thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
– Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 40 giờ trong 01 tháng.
– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm.
Đối với lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì doanh nghiệp không được sử dụng người lao động làm thêm giờ trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm; trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nữ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc không áp dụng khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17/2022/ UBTVQH15 hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019
3. Doanh nghiệp nếu vi phạm quy định về làm thêm giờ đối với lao động nữ nuôi con nhỏ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6, điểm a, b, c khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng lao động nếu thực hiện một trong những hành vi sau đây sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng:
– Sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ;
– Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;
– Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.