Các định chế pháp lý của GATT và WTO sau này hướng đến việc tập trung xây dựng một hệ thống kinh tế quốc tế trên cơ sở nền tảng của nguyên lý thương mại tự do
Mục đích của thương mại tự do là giảm thiểu đến mức thấp nhất sự can thiệp của Nhà nước vào các dòng chảy thương mại xuyên biên giới nhằm xây dựng một thị trường chung lành mạnh và bình đẳng. Xây dựng và phát triển một thị trường thống nhất không đồng nghĩa với việc xoá bỏ những đặc thù về lợi thế thương mại của các quốc gia. Ngược lại, thương mại tự do tạo cơ hội cho sự liên kết kinh tế giữa các quốc gia bằng việc tập trung phát huy những lợi thế thương mại của mỗi nước. Bởi lẽ, không một quốc gia nào có tất cả các điều kiện giống nhau về thiên nhiên, khí hậu và thậm chí là tập quán kinh doanh. Những khác biệt ấy khiến cho mỗi quốc gia có được một lợi thế nhất định so với những nước khác. Thương mại tự do sẽ chuyển những lợi thế riêng ấy thành năng suất tối đa cho tất cả các thị trường. Điều này chỉ có thể có được khi mọi rào cản thương mại được tháo bỏ để hàng hoá và tư bản có thể được lưu thông tự do. Để xây dựng một thị trường tự do trên phạm vi toàn cầu hoặc khu vực, các nghĩa vụ pháp lý phát sinh đối với các quốc gia chủ yếu là xoá bỏ các rào cản thuế quan cũng như phi thuế quan, nhằm đảm bảo cho hàng hoá và dịch vụ của thương mại tự do có thể tự do di chuyển qua biên giới. Việc những rào cản thuế quan đang được xoá bỏ đến mức không còn sự khác biệt giữa hàng hoá nội địa và hàng nhập khẩu và các yếu tố liên quan đến chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc ngày càng giảm dần dẫn đến sự gia tăng các cấp độ thương mại cũng như sự lệ thuộc lẫn nhau giữa thị trường của các quốc gia.
Ngoài ra, quá trình tự do hoá kinh tế diễn ra hiệu quả và đem lại cho thị trường của các quốc gia động lực phát triển mới đòi hỏi sự mở cửa, làm sạch thị trường bằng các công cụ chính sách và pháp lý phù hợp. Chỉ khi nào các phần thị trường ở mỗi nước thực sự lành mạnh thì thị trường chung được cấu thành từ đó mới có thể tránh được các mầm mống đe doạ đến sự phát triển. Về vấn đề này, có hai nội dung cần làm rõ như sau:
Thứ nhất, sự thúc đẩy của lợi nhuận và sự bảo hộ của chính sách tự do hoá thương mại là mầm mống nảy sinh các toan tính không lành mạnh trên thị trường, bao gồm những hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp, những tính toán lạm dụng vị trí độc quyền của các thế lực tài chính lớn và sự liên kết của các nhóm doanh nghiệp hòng thiết lập một sức mạnh chung chi phối thị trường.
Sự tồn tại và phát triển của những hành vi nói trên sẽ làm gia tăng nguy cơ đe doạ đến quá trình hình thành thị trường tự do bởi không có bất cứ nhà đầu tư tử tế nào lại muốn đồng tiền của mình mạo hiểm trong môi trường kinh doanh bị vẩn đục và không công bằng. Khi đó, các lợi ích có thể có được từ quá trình tự do hoá thương mại có thể bị vô hiệu nếu pháp luật và các chính sách cạnh tranh không thể bao trùm toàn bộ nền kinh tế hoặc tính khả thi bị hạn chế. Mặt khác, với vai trò là cơ chế thiết lập, duy trì và bảo hộ cạnh tranh, chính sách cạnh tranh góp phần thúc đẩy sự hình thành các quan hệ thị trường cho đời sống kinh tế, hình thành cơ chế tự điều chỉnh của thị trường… là những thiết chế cơ bản của quá trình tự do hoá thương mại. Ngoài ra, sự xuất hiện các thế lực kinh tế quốc tế với tiềm lực tài chính khổng lồ và dày dạn kinh nghiệm thương trường luôn là mối lo ngại cho các nước đang phát triển về nhu cầu xây dựng một nền kinh tế tự chủ, đòi hỏi các quốc gia này phải thiết kế một chính sách cạnh tranh hợp lý, đủ mạnh và khôn khéo để đối phó với các thủ đoạn không tử tế lợi dụng sự tự do hoá để gia nhập hòng chiếm lĩnh và chi phối thị trường của mình. Nếu các chính sách kinh tế nói chung và chính sách cạnh tranh nói riêng không đủ mạnh thì quá trình hội nhập kinh tế sẽ chỉ là quá trình một chiều mà thôi. Tòa án tối cao Hoa Kỳ đánh giá, chính sách cạnh tranh, các công cụ điều tiết cạnh tranh như là công cụ để bảo trợ cho quá trình tự do hoá thương mại, và đạo Luật Sherman như là một điều lệ toàn diện cho thương mại tự do nhằm mục đích bảo đảm cạnh tranh tự do và không gây cản trở.
Thứ hai, khi thực thi chính sách thương mại tự do và chính sách cạnh tranh các nước luôn phải đảm bảo sự hỗ trợ hài hoà giữa hai công cụ này, theo đó, với nội dung là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm luật lệ, quy định, hiệp định quốc tế và các quan điểm đàm phán được Chính phủ thông qua để đạt được mở cửa thị trường hợp pháp, chính sách thương mại tự do sẽ là cơ sở để hình thành một môi trường cạnh tranh sinh động. Ngược lại, với vai trò duy trì và đảm bảo sự lành mạnh của thị trường, chính sách cạnh tranh sẽ bảo hộ cho quá trình tự do và bảo vệ tự do thương mại.