Bồi thường thiệt hại trong thi hành án dân sự là một trong những vấn đề gặp khá nhiều vướng mắc trên thực tế và không thực sự phổ biến đối với nhiều người. Trong phạm vi bài viết dưới đây của LawFirm.Vn, chúng tôi sẽ giải đáp về những trường hợp được bồi thường thiệt hại và điều kiện được bồi thường trong thi hành án dân sự.
1. Trường hợp nào được bồi thường thiệt hại trong thi hành án dân sự?
Người được thi hành án, người phải thi hành án là đương sự trong vụ việc thi hành án theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự 2008. Trong đó:
– Người được thi hành là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền hoặc lợi ích khi bản án hoặc quyết định được thi hành án (ví dụ được nhận tiền, được trả lại tài sản, được nhận lại quyền sử dụng đất,…);
– Người phải thi hành án là người có nghĩa vụ phải thực hiện các công việc theo quyết định trong bản án, quyết định được thi hành án.
Trong quá trình thi hành quyết định thi hành án hai đương sự này có thể được bồi thường thiệt hại nếu phát sinh một trong những tình huống sau đây:
– Người yêu cầu Chấp hành viên thực hiện biện pháp bảo đảm (phong tỏa tài sản, tạm giữ tài sản giấy tờ,…) mà không đúng và gây thiệt hại cho người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì phải bồi thường;
– Là người chịu thiệt hại khi khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định của cá nhân, cơ quan thi hành án;
– Khi Chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án có một trong những hành vi vi phạm pháp luật mà gây thiệt hại cho đương sự (người phải thi hành án, người được thi hành án) theo quy định tại Điều 165 Luật Thi hành án dân sự 2008. Ví dụ một số hành vi như sau:
+ Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thi hành án gây thiệt hại cho đương sự thì phải bồi thường;
+ Chấp hành viên không thi hành theo quyết định thi hành đúng bản án, quyết định đã có hiệu lực hoặc trì hoãn việc thi hành án mà gây thiệt hại cho đương sự;
+ Chấp hành viên áp dụng sai biện pháp cưỡng chế thi hành án và gây thiệt hại cho đương sự;
+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án mà gây thiệt hại cho đương sự;
+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án trái pháp luật mà gây thiệt hại cho đương sự thì phải bồi thường thiệt hại;
+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành theo quyết định thi hành án mà gây thiệt hại cho đương sự;
…
Theo đó, đương sự được nhận bồi thường nếu phát sinh một trong những hành vi của cơ quan, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện quyết định thi hành án mà gây thiệt hại.
Như vậy, việc bồi thường thiệt hại cho đương sự có thể phát sinh từ chính các đương sự (khi yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại…), hoặc từ các cơ quan, cá nhân có liên quan hoặc từ chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án trong việc ra quyết định và thực thi các quyết định thi hành án.
2. Điều kiện được bồi thường thiệt hại trong thi hành án dân sự là gì?
Bồi thường thiệt hại trong khi thi hành án là việc cơ quan, cá nhân, tổ chức gây thiệt hại trong quá trình thi hành án phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Điều kiện để được bồi thường thiệt hại có thể được phân chia thành 2 tình huống sau đây:
Tình huống 1: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp đương sự/hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cá nhân/tổ chức/cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây ra
Người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng thì phải bồi thường thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành theo quyết định/bản án của tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại được ghi nhận trong đơn khởi kiện của người bị thiệt hại.
Điều đó đồng nghĩa với việc bên bị thiệt hại phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại (đơn khởi kiện, giấy tờ, tài liệu chứng minh về thiệt hại, giấy tờ nhân thân, giấy tờ về nơi ở hợp pháp của các bên) gửi tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo trình tự tố tụng nếu các bên không thể tự thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại.
Tình huống 2: Bồi thường thiệt hại do Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dây ra
Căn cứ quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, trong trường hợp căn cứ yêu cầu bồi thường là do Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cá nhân/tổ chức/cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây ra có thể được thực hiện theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết việc bồi thường thiệt hại
Tại đây, người bị thiệt hại cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017, gồm:
+ Văn bản yêu cầu bồi thường (có thể là văn bản có tên là đơn yêu cầu bồi thường, văn bản đề nghị giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại…);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu bồi thường;
+ Giấy tờ nhân thân (căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn hiệu lực), giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường;
+ Giấy tờ về thừa kế (nếu thuộc trường hợp người thừa kế yêu cầu bồi thường thiệt hại), văn bản ủy quyền cho một người đại diện giải quyết yêu cầu bồi thường nếu có nhiều hơn 1 người thừa kế;
+ Giấy tờ, tài liệu cần thiết khác được sử dụng trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường (nếu có)
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người có yêu cầu bồi thường thiệt hại nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại để được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Cách 2: Người bị thiệt hại yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc bồi thường thiệt hại
Đây là trường hợp mà người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường đã gửi đến cơ quan cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Yêu cầu bồi thường được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường. Tức là, người yêu cầu bồi thường thiệt hại chuẩn bị đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nộp tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.
Như vậy, để được giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại hoặc là yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của mình.