Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc này trong hoạt động tố tụng dân sự, chỉ ra một số vướng mắt và kiến nghị hoàn thiện.
1. Một số vấn đề lý luận
Quyền tự định đoạt của đương sự là nhóm quyền tố tụng của đương sự trong việc tự quyết định việc bảo vệ quyền, lợi ích của mình thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án và quyền tự quyết định về quyền, lợi ích đó thông qua việc thỏa thuận với các đương sự khác. Nội dung của quyền tự định đoạt của đương sự bao gồm quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, quyền thay đổi, chấm dứt các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc dân sự, quyền quyết định việc kháng cáo hay khiếu nại bản án quyết định của tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Quyền tự định đoạt được thể hiện xuyên suốt quá trình tố tụng, từ khi các chủ thể thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự cho đến các giai đoạn tiếp theo của quá trình tố tụng, khi các đương sự thực hiện việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu; kháng cáo, thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự… Hơn nữa, Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử phải đảm bảo cho các đương sự được thực hiện các quyền tố tụng của họ.
Sở dĩ cần thiết phải quy định nguyên tắc này bởi lẽ dựa trên bản chất của quan hệ pháp luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận. Quan hệ dân sự là các quan hệ tư, có nội dung là các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản. Do đó, ý chí của các chủ thể luôn được tôn trọng và đảm bảo thực hiện, các chủ thể có quyền tự quyết định về quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hơn nữa, việc quy định nguyên tắc này sẽ bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật dân sự. Có thể thấy rằng, giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự phải tương thích với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Pháp luật nội dung ghi nhận các quyền của chủ thể, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể có thể thực hiện được quyền của mình cũng như là cơ sở để bảo vệ khi các quyền đó bị xâm phạm. Tuy nhiên, nếu không có một trình tự, thủ tục cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó thì rất khó có thể đảm bảo thực hiện các quyền đó trên thực tế. Chính vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự với tư cách là pháp luật hình thức, ghi nhận trình tự thủ tục để các chủ thể có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Một số bất cập còn tồn tại
2.1. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự về khởi kiện vụ án dân sự, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập
Trong các quy định về quyền khởi kiện, quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập vẫn tồn tại một số bất cập như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các phương thức gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, đó là nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin của Tòa án (nếu có). Theo các quy định này, các chủ thể nếu muốn thực hiện quyền khởi kiện thì bắt buộc phải làm đơn khởi kiện và gửi đến Tòa án. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự lại chưa quy định quyền trực tiếp đến Tòa án để trình bày yêu cầu khởi kiện, điều này dẫn đến chưa thực sự đảm bảo quyền khởi kiện của các chủ thể. Bởi lẽ trên thực tế có khá nhiều trường hợp, đặc biệt ở những vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có những người dân còn chưa biết chữ, không có kiến thức pháp luật nên họ không thể tự mình cũng không thể nhờ người khác làm đơn khởi kiện và do vậy, họ không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình.
Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành còn quy định chưa thống nhất giữa các quy định về quyền yêu cầu của bị đơn. Cụ thể, tại khoản 5 điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền của bị đơn: “Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án…”. Như vậy, theo quy định này, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ duy nhất điều luật này có đề cập đến quyền đưa ra yêu cầu độc lập của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ đề cập đến quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Chính vì vậy khiến cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền tự định đoạt của bị đơn trong việc đưa ra yêu cầu.
2.2. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự vẫn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu nhưng việc thay đổi, bổ sung đó không được vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Quy định này hiện nay đang có điểm bất cập, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật, đó là hiểu thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu? Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ cần có sự thay đổi về yêu cầu theo hướng mở rộng nhiều hơn yêu cầu so với yêu cầu ban đầu mà không làm phát sinh quan hệ pháp luật mới cũng là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Quan điểm thứ hai cho rằng, vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu là làm phát sinh một quan hệ pháp luật mới mà trước đó chưa được xem xét. Theo quan điểm này, kể cả khi có thay đổi, bổ sung yêu cầu theo hướng tăng thêm yêu cầu nhưng yêu cầu đó vẫn thuộc quan hệ pháp luật đã được xem xét trước đó thì vẫn không coi là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu, chỉ cần không làm phát sinh quan hệ pháp luật mới sẽ được chấp nhận.
2.3. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Trong phiên hòa giải, các đương sự sẽ thỏa thuận với nhau về phương hướng giải quyết vụ án. Nếu các đương sự không thỏa thuận được với nhau về toàn bộ vụ án (bao gồm cả nội dung giải quyết vụ án và án phí) thì Tòa án ghi nhận vào biên bản hòa giải và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ vụ án thì sẽ lập biên bản hòa giải thành. Sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Tuy nhiên, điều luật này vẫn thể hiện một bất cập, đó là nếu trong thời hạn 07 ngày đó, các đương sự tự thỏa thuận với nhau và quyết định thay đổi nội dung thỏa thuận trước đó bằng nội dung thỏa thuận mới thì Tòa án có công nhận quyết định thỏa thuận mới hay vẫn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử? Trong trường hợp này có thể coi như các bên đã có sự thay đổi ý kiến so với thỏa thuận ban đầu và Thẩm phán sẽ đưa vụ án ra xét xử do không hòa giải được. Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách này sẽ không đảm bảo được quyền tự định đoạt của đương sự, không tôn trọng được ý chí của đương sự, chưa tương thích với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do vậy, nếu các đương sự thay đổi bằng một thỏa thuận hoàn toàn mới thì Tòa án cần tôn trọng ý chí và ghi nhận thỏa thuận này của đương sự.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
3.1. Bổ sung quy định về việc người khởi kiện được trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện
Hiện nay, các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện thực hiện quyền khởi kiện của mình. Để có thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có khả năng để làm đơn khởi kiện như người tàn tật, người không biết chữ, vì thế rất khó khăn cho những chủ thể này khi thực hiện quyền khởi kiện. Do đó, cần bổ sung thêm quy định việc người khởi kiện được trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu khởi kiện, cán bộ Tòa án có trách nhiệm lập biên bản về nội dung khởi kiện mà chủ thể trình bày để đưa vào hồ sơ vụ án. Khi đó, kể cả khi các chủ thể không biết chữ hay không đủ khả năng để làm đơn khởi kiện, với sự giúp đỡ của các cán bộ tòa án, họ sẽ thực hiện được quyền khởi kiện của mình.
3.2. Sửa đổi quy định về trách nhiệm của tòa án trong việc đảm bảo nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự
Xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự là tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận, pháp luật luôn tôn trọng ý chí và quyền tự quyết định của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Do vậy, khi xảy ra các tranh chấp dân sự và yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của các đương sự theo quy định tại khoản 1 điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, do pháp luật nội dung có quy định hoặc để đảm bảo thi hành án, tòa án có thể giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự. Ví dụ trong trường hợp Tòa án giải quyết VADS có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, nếu trong trường hợp các đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc người thứ ba thì tòa án vẫn giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Do đó, cần sửa đổi khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 theo hướng:
“… Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc để đảm bảo thi hành án.”
3.3. Bổ sung quy định về quyền đưa ra yêu cầu độc lập của bị đơn được chấp nhận
Theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có ghi nhận quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể yêu cầu độc lập của bị đơn phải đáp ứng những điều kiện gì để được tòa án chấp nhận. Do vậy, trong thực tiễn xét xử, rất khó để bị đơn thực hiện quyền này của mình và vì thế, để đảm bảo quyền tự định đoạt của bị đơn trong việc đưa ra yêu cầu độc lập, cần bổ sung thêm quy định giải thích quyền yêu cầu độc lập của bị đơn được chấp nhận theo hướng sau:
Yêu cầu độc lập của bị đơn sẽ được chấp nhận khi có các điều kiện sau:
“Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ; yêu cầu độc lập của bị đơn có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, dứt điểm hơn.
Bị đơn có quyền đơn ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
3.4. Bổ sung quy định trong trường hợp các đương sự thay đổi thỏa thuận
Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về thỏa thuận đó. Nếu có đương sự thay đổi ý kiến trong thời hạn đó thì Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quy định này có ưu điểm đó là khiến các đương sự có trách nhiệm hơn đối với quyết định thỏa thuận của mình. Tuy nhiên, nếu các đương sự cùng nhau thỏa thuận và quyết định thay đổi thỏa thuận đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành bằng một thỏa thuận mới, trong trường hợp này vẫn thuộc trường hợp có đương sự thay đổi ý kiến và tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Điều này không đảm bảo được quyền tự định đoạt của các đương sự trong việc thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự, khi các đương sự đã thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án dân sự nhưng tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử là không cần thiết. Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về trường hợp trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các đương sự thay đổi thỏa thuận trước đó bằng một thỏa thuận mới theo hướng:
“Nếu trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các đương sự thay đổi thỏa thuận trước đó bằng một thỏa thuận mới thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận mới đó mà không đưa vụ án ra xét xử.”
3.5. Bổ sung quy định trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một phần nội dung vụ án dân sự
Theo khoản 2 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ vụ án. Việc quy định như vậy chưa thật sự hợp lý, chưa bảo đảm được quyền tự định đoạt của đương sự. Có những trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một phần nhưng độc lập với các nội dung khác, không ảnh hưởng đến việc giải quyết các nội dung khác, việc đưa ra xét xử những phần đã thỏa thuận được là không cần thiết. Vì vậy, cần bổ sung quy định trong trường hợp các đương sự chỉ thỏa thuận được một phần nội dung vụ án theo hướng: “Nếu các đương sự chỉ thỏa thuận được một phần vụ án và phần thỏa thuận đó độc lập với những phần chưa thỏa thuận được thì tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đối với phần đã thỏa thuận được, nếu các đương sự chỉ thỏa thuận được một phần nhưng phần đó liên quan mật thiết đến những phần còn lại thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử”.
Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự là một đòi hỏi tất yếu. Việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về nguyên tắc này phải đảm bảo phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và đảm bảo bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân.