1. Bảo hiểm là gì?
Bảo hiểm là cam kết bồi thường của người bảo hiểm cho người được bảo hiểm về những tổn thất, hư hỏng của đối tượng được bảo hiểm do một rủi ro đã thoả thuận gây ra, với điều kiện là người được bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm cho người bảo hiểm.
Từ khái niệm trên, cần giải thích một số thuật ngữ:
– Người bảo hiểm (Insurer, Underwriter, Insurance Company): Là người thu phí bảo hiểm, nhận trách nhiệm về rủi ro và phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra trong phạm vi giá trị đã thoả thuận. Trong thực tế, người bảo hiểm thường là các công ty bảo hiểm, ví dụ như ở Anh có công ty Lloyd’s, ở Việt Nam có các công ty như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo Long, PJICO, PV Insurance…
– Người được bảo hiểm (Insured or Assured): Là người trả phí bảo hiểm (nên còn gọi là người mua bảo hiểm), là người chịu tổn thất khi có rủi ro xảy ra và là người được người bảo hiểm bồi thường. Trong thương mại quốc tế, người được bảo hiểm thường là nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá.
– Đối tượng bảo hiểm (subject matter insured): Là tài sản hoặc lợi ích mang ra bảo hiểm. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, đối tượng được bảo hiểm là hàng hoá xuất nhập khẩu trong quá trình chuyên chở.
– Rủi ro được bảo hiểm (risk insured against): Là rủi ro đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Người bảo hiểm chỉ bồi thường những tổn thất do những rủi ro đã thoả thuận gây ra. Thực tế, các rủi ro này không được thể hiện trực tiếp trên hợp đồng mà được thể hiện gián tiếp qua các điều khoản tham chiếu đến nguồn điều chỉnh. Ví dụ, tại Viện các nhà bảo hiểm London (Institute of London Underwriters), có ba điều khoản chính liên quan đến rủi ro trong vận tải biển là Điều kiện A, Điều kiện B và Điều kiện C. Điều kiện A bao gồm tất cả các rủi ro, ngoại trừ các rủi ro đặc biệt như chiến tranh, đình công…, Điều kiện B ít rủi ro hơn, còn Điều kiện C ít rủi ro nhất. Thông thường những nhà xuất nhập khẩu luôn tham gia bảo hiểm với Điều kiện A, vì nó bảo hiểm rủi ro tốt hơn.
– Phí bảo hiểm (insurance premium): Là khoản tiền người được bảo hiểm trả cho người bảo hiểm để có quyền lợi bảo hiểm. Đây là khoản tiền không truy đòi, nghĩa là cho dù tổn thất không xảy ra, thì người được bảo hiểm cũng không có quyền đòi lại khoản tiền này. Vì trong số những người tham gia mua bảo hiểm, chỉ có một số ít người gặp rủi ro và chịu tổn thất được người bảo hiểm bồi thường, do đó phí bảo hiểm thường là một số tiền rất nhỏ so với số tiền được bảo hiểm.
– Giá trị bảo hiểm (insured value): Là giá trị của đối tượng được bảo hiểm. Ví dụ, tổng trị giá lô hàng, tài sản…
– Số tiền bảo hiểm (insured amount): Là số tiền bảo hiểm. Trong trường hợp giá trị bảo hiểm lớn, thì phí bảo hiểm có thể vượt quá khả năng tài chính của khách hàng. Do đó, khách hàng có thể quyết định số tiền bảo hiểm chỉ là một phần của giá trị bảo hiểm.
2. Tại sao phải bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu?
Trong quá trình vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu (chủ yếu bằng đường biển), người kinh doanh xuất nhập khẩu phải mua bảo hiểm cho hàng hoá vì các lý do sau đây:
– Hàng hoá vận chuyển bằng đường biển thường gặp rủi ro có thể gây ra tổn thất, hư hỏng, mất mát về hàng hoá như tàu bị mắc cạn, đắm, đâm va nhau, cháy, nổ, mất tích, không giao hàng…
– Theo tập quán vận tải quốc tế, trách nhiệm của người vận tải là rất hạn chế, hơn nữa việc khiếu nại đòi người vận tải bồi thường rất phức tạp, khó khăn và kéo dài.
– Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả, bảo vệ và tạo tâm lý an toàn đối với nhà kinh doanh.
Chính vì vậy, trong hợp đồng ngoại thương, một nội dung cần được quy định giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu là: “Ai là người chịu trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hoá?” trong quá trình chuyên chở từ nơi nhà xuất khẩu đến nơi nhà nhập khẩu. Trong thực tế, theo thoả thuận nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hoá cho toàn bộ hành trình chuyên chở. Ví dụ, nếu thỏa thuận điều kiện giao hàng là FOB hay CFR, thì nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hoá kể từ thời điểm nhà xuất khẩu giao hàng qua lan can tàu cho tới nơi đến cuối cùng của hàng hoá; hoặc nếu thỏa thuận điều kiện giao hàng là CIF, thì nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hóa từ khi giao hàng cho tới nơi đến cuối cùng của hàng hoá. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu cũng có thể thỏa thuận điều kiện giao hàng là CIP (carriage and insurance paid to named destination), nghĩa là nhà xuất khẩu chỉ chịu chi phí vận chuyển và bảo hiểm hàng hoá đến một nơi nhất định theo thỏa thuận, trách nhiệm còn lại do nhà nhập khẩu chịu. Để biết thêm về trách nhiệm của từng bên trong từng điều kiện thương mại, xin tham khảo Incoterms 2000 do ICC xuất bản năm 2000.