1. Chứng từ vận tải đa phương thức là gì?
Vận tải đa phương thức là việc chuyên chở hàng hóa từ nơi này đến nơi khác bằng ít nhất từ hai phương thức vận tải trở lên.
Vận tải đa phương thức có thể có nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ:
– Vận tải đa phương thức (Multimodal Transport).
– Vận tải liên hợp (Combined Transport).
– Vận tải hỗn hợp (Inter – Modal Transport).
Trong vận tải đa phương thức, hàng hoá được vận chuyển từ nơi đi đầu tiên tới nơi đến cuối cùng bằng nhiều phương tiện, nhiều loại hình vận tải qua nhiều chặng đường khác nhau với sự tham gia của nhiều người chuyên chở; do đó, thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình vận tải, đó là người kinh doanh vận tải đa phương thức MTO hay CTO (Multimodal Transport Operator hay Combined Transport Operator). Người kinh doanh vận tải đa phương thức là người ký kết hợp đồng vận tải và chịu trách nhiệm về việc chuyên chở hàng hoá như người chuyên chở duy nhất. Khi hàng hoá được nhận để chở, chủ hàng được người kinh doanh vận tải đa phương thức cấp cho một vận đơn, gọi là vận đơn vận tải đa phương thức. Vận đơn vận tải đa phương thức có các chức năng giống như vận đơn đường biển thông thường, bao gồm: là biên lai nhận hàng để chở, là chứng từ sở hữu hàng hoá và là bằng chứng của hợp đồng vận tải. Vận tải đa phương thức có nhiều chặng chuyên chở với nhiều phương tiện vận tải khác nhau, ở chặng có chứng từ chặng (Local Document) dùng để giải quyết mối quan hệ giữa những người vận tải với nhau theo nguyên tắc vận tải liên hợp mà chủ hàng không cần biết.
Vì có nhiều cách gọi khác nhau, nên trong thực tế một chứng từ vận tải được xem là chứng từ vận tải đa phương thức cho dù có tên gọi như thế nào, miễn là nó thể hiện được ít nhất hai phương thức vận tải trở lên.
Tiêu đề chứng từ vận tải đa phương thức thường gặp là:
– Multimodal Transport B/L.
– Multimodal Transport or Port to Port Shipment B/L.
– Negotiable FIATA Combined Transport B/L.
– Combined Transport B/L.
– B/L for Combined Transport Shipment or Port to Port Shipment. Tùy theo trường hợp mà người phát hành chứng từ vận tải đa phương thức có thể là:
– Người chuyên chở đa phương thức: Do MTO có thể sử dụng các phương tiện vận tải của chính mình để thực hiện toàn bộ quá trình chuyên chở từ nơi đi đầu tiên tới nơi đến cuối cùng, nên trong trường hợp này người chuyên chở đa phương thức chính là MTO, và chứng từ vận tải đa phương thức do người chuyên chở đa phương thức phát hành.
– Người MTO: Do MTO thường không có đủ các phương tiện vận tải đa phương thức ở tất cả các chặng, nên phải đi thuê phương tiện và những người chuyên chở khác cùng tham gia; tuy có nhiều người chuyên chở cùng tham gia, nhưng MTO là người được quyền và chịu trách nhiệm phát hành chứng từ vận tải đa phương thức.
– Thuyền trưởng: Theo thông lệ, nếu vận tải đa phương thức được bắt đầu bằng chặng đường biển thì thuyền trưởng thường là người ký phát chứng từ vận tải đa phương thức.
– Người giao nhận hàng hóa (Freight Forwarder): Trong vận tải đa phương thức, hàng hoá thường được người giao nhận trước khi được chở đi bằng vận tải đa phương thức, do đó, người chuyên chở hay người MTO thường uỷ quyền cho đại lý giao nhận của mình ký phát vận đơn đa phương thức. Đại lý giao nhận cũng có thể là người chuyên chở hay MTO.
– Các đại lý của người chuyên chở, của người MTO và của thuyền trưởng được ký phát vận đơn vận tải đa phương thức.
Về chuyển tải trong vận tải đa phương thức: Vì là vận tải đa phương thức, nên hàng hóa đương nhiên phải được chuyển tải. Do đó, khi hợp đồng thương mại hay L/C yêu cầu xuất trình vận đơn vận tải đa phương thức có điều khoản cấm chuyển tải, thì người bán vẫn được thanh toán tiền hàng ngay cả khi trên vận đơn ghi rõ là có chuyển tải dọc đường. Chính vì vậy, khi ký hợp đồng thương mại hay phát hành L/C có yêu cầu vận đơn vận tải đa phương thức thì tránh một điều khoản nào đó quy định cấm chuyển tải dọc đường.
Ngày nay, do xu hướng toàn cầu hoá thương mại diễn ra nhanh chóng, nên vận tải đa phương thức ngày càng phát triển, nó giúp đơn giản hoá thủ tục cho chủ hàng, cho người nhận hàng, tránh những ách tắc, chậm trễ trong chuyên chở hàng hoá giữa các quốc gia, đặc biệt các quốc gia ở các châu lục khác nhau.
Xem thêm: Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức
2. Ví dụ về các ô trên vận đơn thể hiện vận tải đa phương thức
Vận đơn này là vận đơn vận tải đa phương thức, thể hiện các chặng và các phương tiện vận tải như sau:
Chặng 1: Từ Lạng Sơn đi cảng Hải Phòng – bằng ô tô.
Chặng 2: Từ cảng Hải Phòng đi cảng Lyon – bằng tàu biển. Chặng 3: Từ cảng Lyon đi Praha – bằng tàu hoả.
Một số điểm lưu ý khi sử dụng:
– Nếu ngày nhận hàng để chở trùng với ngày phát hành vận đơn thì không cần có ghi chú riêng về ngày nhận hàng; nếu ngược lại, thì ngày ghi chú riêng về ngày nhận hàng được xem là ngày giao hàng.
– Nơi nhận hàng (Lạng Sơn) khác với cảng bốc hàng (Hải Phòng); và nơi dỡ hàng (Lyon) khác với nơi hàng đến cuối cùng (Praha). Với hành trình chuyên chở này nhất thiết phải có ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau tham gia.
– Khác với vận đơn thông thường, vận đơn vận tải đa phương thức được phát hành và có hiệu lực tại nơi nhận hàng (nơi này có thể không phải là cảng bốc hàng), do đó, không cần phải có ghi chú “on board”; không cần chỉ ra tên con tàu biển mà hàng hoá thực sự bốc lên, nghĩa là trên vận đơn được phép ghi tàu là dự định (như trong hợp đồng chuyên chở). Vì nơi nhận hàng là Lạng Sơn nên con tàu ở Hải Phòng mới chỉ là dự kiến theo hợp đồng vận tải đa phương thức, có thể hàng hoá được bốc lên con tàu này, nhưng cũng có thể là con tàu khác mà việc ghi chú lên tàu và chỉ ra con tàu thực sự là không logic. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương thức vận tải đa phương thức.
– Trên vận đơn không cần thể hiện ít nhất hai phương thức vận tải, miễn là theo logic bản thân vận đơn phải tự thỏa mãn điều đó.
– Trên vận đơn có điều khoản: “Taken in charge in apparent good order and condition…, at the place of receipt…”.