1. Vận đơn đường biển là gì?
Vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading hay Marine Bill of Lading – thường được viết tắt là B/L) là chứng từ chuyên chở hàng hóa (Transport documents) bằng đường biển do người có chức năng ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc được nhận để chở.
2. Vận đơn nhận hàng để chở (Received for Shipment B/L) là gì?
Vận đơn nhận hàng để chở là loại vận đơn được phát hành sau khi người chuyên chở nhận hàng để chở và cam kết:
– Sẽ bốc hàng lên tàu tại cảng quy định như đã ghi trên vận đơn.
– Hàng hóa được vận chuyển bằng con tàu như đã ghi trên vận đơn.
Trong trường hợp nếu người chuyên chở đã nhận hàng nhưng lại chưa bốc hàng lên tàu do chưa có tàu hay chưa làm xong để xếp thủ tục hàng, hoặc chưa đủ hàng để xếp đầy lên tàu thì người chuyên chở chỉ có thể cấp cho người gửi hàng một vận đơn nhận hàng để chở.
Khác với vận đơn đã bốc hàng, vận đơn nhận hàng để chở có nghĩa là hàng hóa chưa được bốc lên tàu mà có thể còn đang nằm ở cầu cảng, kho bãi hay ở đâu đấy. Ở đây người chuyên chở mới chỉ nhận hàng để chở, chứ chưa bốc hàng lên tàu. Về mặt nguyên tắc, người mua và ngân hàng phát hành L/C cầm vận đơn nhận hàng để chở không chắc chắn bằng vận đơn đã bốc hàng lên tàu vì không biết hàng hóa có thực sự được bốc lên tàu để vận chuyển hay không. Do đó, trong hợp đồng thương mại cũng như trong L/C, thường có điều khoản yêu cầu vận đơn là đã bốc hàng lên tàu; do đó, nếu người xuất khẩu xuất trình vận đơn nhận hàng để chở sẽ bị người mua và ngân hàng phát hành L/C từ chối thanh toán. Lý do để ngân hàng từ chối thanh toán là vì theo các điều kiện cơ sở giao hàng thông thường bằng đường biển như: FOB, CIF, hay CFR trách nhiệm của người bán là phải đưa hàng qua lan can tàu. Ở đây hàng còn đang nằm ở cầu cảng hoặc kho bãi hay đâu đó chưa được đưa qua lan can tàu, nghĩa là người bán chưa hoàn thành trách nhiệm giao hàng theo đúng cam kết. Hơn nữa khi hàng nằm ở cầu cảng hoặc kho bãi vẫn có thể chịu rủi ro tổn thất, trách nhiệm đối với rủi ro tổn thất này chưa được chuyển sang tay người mua, mà vẫn thuộc người bán. Vì vậy, nếu chấp nhận thanh toán loại vận đơn này thì có nghĩa là người mua và ngân hàng tự chấp nhận một phần rủi ro về phần mình
Xem thêm: Nhận biết các loại vận đơn đường biển