Hóa đơn đầu vào là chứng từ quan trọng trong việc quản lý tài chính, chi phí doanh nghiệp.Tuy nhiên vẫn còn có nhiều người thắc mắc rằng có được bán hàng khi không có hóa đơn đầu vào? Hãy cùng LawFirm tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Hóa đơn đầu vào là gì?
Hóa đơn đầu vào là một loại chứng từ dùng để chứng minh nghiệp vụ mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Hóa đơn đầu vào có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong kế toán và quản lý thuế của doanh nghiệp, bởi vì:
Hóa đơn đầu vào là cơ sở để hạch toán các chi phí, giảm trừ thuế, và quyết toán thuế với cơ quan thuế
Hóa đơn đầu vào giúp doanh nghiệp tính toán chi phí kinh doanh sản xuất để đưa ra những quyết định về giá bán, phân phối, thúc đẩy, truyền thông,…
2. Hóa đơn đầu vào gồm những gì?
Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp, trên hóa đơn đầu vào cần phải đảm bảo nội dung theo quy định cũng như đi kèm các chứng từ liên quan tới hoạt động mua bán.
2.1. Những thông tin có trên hóa đơn đầu vào
Nội dung bắt buộc trên hóa đơn đầu vào là các thông tin cần có trên hóa đơn để chứng minh nghiệp vụ mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật, những nội dung dưới đây là yêu cầu bắt buộc trên hóa đơn đầu vào:
- Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn.
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán và người mua.
- Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền của hàng hóa, dịch vụ.
- Thuế suất, tiền thuế, tổng tiền thanh toán, số tiền bằng chữ.
- Chữ ký và dấu của người bán, chữ ký của người mua (nếu có).
- Thời điểm lập hóa đơn (định dạng ngày/tháng/năm).
- Mã của cơ quan thuế (đối với hóa đơn điện tử).
2.2. Các chứng từ đi kèm hóa đơn đầu vào
Các chứng từ đi kèm có vai trò quan trọng trong việc hạch toán chi phí, giảm trừ thuế, quyết toán thuế, và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, hoặc kiện tụng liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Tùy theo từng trường hợp mua hàng hóa trong nước, nhập khẩu hàng hóa, hoặc mua sắm tài sản cố định, các chứng từ đi kèm với hóa đơn đầu vào sẽ khác nhau. Dưới đây là một số chứng từ thường gặp:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài sản cố định: dùng để xác định các điều khoản, quyền, và nghĩa vụ của bên bán và bên mua.
- Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài sản cố định: biên bản cần ghi rõ thời điểm, địa điểm, số lượng, chất lượng, và trạng thái của hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài sản cố định được bàn giao.
- Biên bản thanh lý hợp đồng: biên bản cần ghi rõ thời điểm, kết quả, và các cam kết của hai bên liên quan đến hợp đồng.
- Phiếu nhập kho: phiếu nhập kho cần ghi rõ nguồn gốc, số lượng, đơn giá, và thành tiền của hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài sản cố định được nhập kho.
- Phiếu thu, biên lai, hoặc chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt: chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt cần ghi rõ số tiền, lý do, và tài khoản ngân hàng của bên bán và bên mua.
3. Có được xuất hóa đơn khi không có hóa đơn đầu vào?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và các văn bản luật liên quan thì các cơ sở kinh doanh không được xuất hóa đơn đầu ra khi không có hóa đơn đầu vào. Cụ thể:
– Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thời điểm xuất hóa đơn
– Các hàng hóa khi cơ sở kinh doanh, tổ chức mua vào mà không có hóa đơn đầu vào thì bên bán được coi là đang vi phạm pháp luật về thời điểm xuất hóa đơn và có chế tài xử phạt.
– Trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn đầu vào do bên làm mất, cháy, hỏng,… thì cần làm các thủ tục khắc phục theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp bị xử phạt hoặc gặp các rủi ro về thuế
– Việc để hàng hóa không có hóa đơn đầu vào doanh nghiệp sẽ gặp các rủi ro sau nếu cơ quan thuế kiểm tra và phát hiện:
- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn: Xử phạt vi phạm hành chính
- Không có hóa đơn đầu vào nhằm mục đích trốn doanh thu: Xử phạt hành vi trốn thuế
4. Mức xử phạt khi bán hàng không có hóa đơn đầu vào
Căn cứ tại điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm về thời điểm lập hóa đơn như sau:
Mức xử phạt | Hành vi vi phạm |
Cảnh cáo | Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ |
3.000.000đ đến 5.000.000đ | Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế |
4.000.000đ đến 8.000.000đ | Lập hóa đơn không đúng thời điểm trừ 2 trường hợp trên |