1. Căn cứ pháp lý
Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 204 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 204. Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào có trách nhiệm bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ mà vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hoặc cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Các hóa đơn, chứng từ là cơ sở, là căn cứ xác định các khoản thuế, các nghĩa vụ tài sản của một thực thể kinh tế với nhà nước, xác định các khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Hóa đơn, chứng từ cũng là công cụ để nhà nước quản lý các hoạt động kinh tế. Do vậy, việc bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ cần được thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ, không để gây thiệt hại lợi ích cho nhà nước, xã hội, các chủ thể kinh tế. Hành vi vi phạm về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã được hình sự hóa.
Căn cứ theo quy định tại Điều 205 BLHS năm 2015 thì: hành vi vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi của người có trách nhiệm bảo quản, quản lý các hóa đơn, chứng từ cố ý không thực hiện, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật của pháp luật về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước hoặc người khác.
2.1. Mặt khách thể của tội phạm
Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ lưu thông trên thị trường.
Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát các khoản thu nộp ngân sách, nhà nước quy định các đơn vị kinh tế bắt buộc phải sử dụng và có trách nhiệm bảo quản, quản lý các hóa đơn, chứng từ phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các hóa đơn, chứng từ là những căn cứ, cơ sở để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm tài sản, các khoản thu nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối tượng tác động của tội phạm là các hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Thông qua việc bảo quản, quản lý không đúng quy định, dẫn tới thất thoát, hư hỏng các hóa đơn, chứng từ, gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng tới các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:
+ Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạy động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,… và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu ohis dịch vụ ngân hàng;
+ Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lai thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý ngân sách nhà nước.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, bao gồm các hành vi sau đây:
+ Lưu trữ, bảo quản hóa đơn không đúng quy định: Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hóa đơn, chứng từ (kể cả hóa đơn, chứng từ chưa sử dụng) đều cần phải được bảo quản, quản lý chặt chẽ tại kho của đơn vị phát hành, sử dụng, sở hữu hóa đơn, chứng từ đó. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể thuê các tổ chức lưu trữ trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên. Pháp luật cũng quy định về thời hạn lưu trữ, bảo quản, hóa đơn, chứng từ. Người phạm tội có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản hóa đơn, chứng từ nhưng không thực hiện đúng theo quy định như lưu trữ không đúng nơi, lưu trữ tại nơi không đủ điều kiện bảo quản…
+ Không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác tình hình sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng hóa đơn: Pháp luật quy định các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ (trừ các đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) phải lập và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, chứng từ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Người phạm tội là người được giao nhiệm vụ lập, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, chứng từ nhưng không báo cáo, hoặc báo cáo không chính xác, gây ảnh hưởng công tác quản lý hóa đơn, chứng từ của cơ quan thuế, gây thiệt hại cho nhà nước…
+ Làm hư hỏng, mất hóa đơn: Người phạm tội có thể làm hư hỏng, làm mất háo đơn trong quá trình vận chuyển, bảo quản hóa đơn…
+ Thực hiện hủy hóa đơn không đúng theo quy định của pháp luật: Người phạm tội hủy không đúng hóa đơn, hủy hóa đơn chưa được hủy, hủy không đúng thủ tục, trình tự, hủy hóa đơn không đúng phương pháp…
+ Xử lý việc mất, cháy, hỏng hóa đơn không theo đúng quy định của pháp luật: Khi các đơn vị làm mất, cháy, hỏng hóa đơn cần phải báo cáo ngay với cơ quan thuế để xử lý kịp thời, thực hiện các biện pháp quản lý, khắc phục hậu quả, hạn chết thiệt hại có thể phát sinh. Sau khi hóa đơn mất, cháy, hỏng, người phạm tội đã không xử lý đúng quy định, không báo cáo, báo cáo sai với cơ quan thuế dẫn tới thiệt hại cho tài sản nhà nước, tài sản của người khác.
+ Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản, quản lý hóa đơn, gây thiệt hại cho nhà nước, đơn vị, cá nhân.
Hậu quả, thiệt hại: Dấu hiệu hậu quả, thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm tội vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt cho người, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên. Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại trực tiếp, hoặc thiệt hại gián tiếp:
+ Thiệt hại trực tiếp như giá trị hóa đơn, chứng từ bị mất, hư hỏng
+ Thiệt hại gián tiếp như: Người khác sử dụng hóa đơn bị mất để lập khống, kê khai khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế, gây thất thoát tiền thuế thu nộp ngân sách nhà nước; không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để xác định số thuế phải nộp vào ngân sách của tổ chức bị mất, hư hỏng hóa đơn, chứng từ…
Bộ luật hình sự năm 2015 đã có bước tiến bộ hơn quy định dấu hiệu thiệt hại là giá trị tài sản thiệt hại trực tiếp vào điều luật, thay cho các dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong quy định của BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm có hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi là nguy hiểm cho xã hội, có thể gây ra hậu quả, thiệt hại cho nhà nước, cho người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện.
Động cơ, mục đích: Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc. Người phạm tội có thể thực hiện tội phạm với nhiều động cơ, mục đích khác nhau, như mục đích vụ lợi, trốn tránh các nghĩa vụ tài sản với nhà nước, che giấu những sai phạm trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ…
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định và là những người có trách nhiệm bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ. Đây là những người tham gia vào các hoạt động kinh tế, tạo lập các hóa đơn, chứng từ, hoặc được giao nhiệm vụ bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, doanh nghiệp… Chủ thể của tội phạm này bao gồm:
+ Người mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
+ Người có trách nhiệm của tổ chức mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
+ Người có trách nhiệm của tổ chức đặt in hoặc nhận in hóa đơn.
3. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi vi phạm các quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn bị khởi tố khi hành vi gây thiệt hại cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác hay gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.
Việc xem xét hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cần phải đánh giá khách quan, tổng thể các tình tiết để đánh giá chính xác hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Hậu quả có thể là hậu quả trực tiếp, hoặc hậu quả gián tiếp. Chẳng hạn như người phạm tội để mất hóa đơn, chứng từ nhưng không báo cáo, để người khác sử dụng trong kê khai thuế, dẫn tới thất thu thuế của nhà nước.
Khi xem xét, đánh giá hậu quả gián tiếp, cần chứng minh, làm rõ được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra trên thực tiễn.