Dựa theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC, LawFirm.Vn cung cấp các thông tin cần thiết về “Xử lý hóa đơn lập sai”
1. Khái niệm
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
2. Trường hợp chưa giao hóa đơn cho người mua
Theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
3. Trường hợp đã giao hóa đơn cho người mua nhưng chưa giao hàng, khai thuế
Theo khoản 2 Điều Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai thì:
– Hủy bỏ hóa đơn lập sai.
– Người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai.
+ Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
4. Trường hợp đã giao hóa đơn cho người mua đã giao hàng, khai thuế
Theo khoản 3 Điều Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì
– Người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
– Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót.
+ Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu…
+ Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.
+ Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
5. Sai sót về tên, địa chỉ người mua
Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh, theo điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC
6. Xử lý vi phạm
– Điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
– Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này.
Kết luận: Người bán và người mua phải tiến hành Xử lý hóa đơn khi phát hiện có sai sót theo từng trường hợp cụ thể được quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC.