Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là gì? Tính chất và ý nghĩa xét xử phúc thẩm

0

1. Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là gì?

Phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Tố tụng hình sự là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, trong đó phúc thẩm là một giai đoạn. Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải ra bản án hoặc quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, bản án, quyết định sơ thẩm vẫn chưa có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên. Theo nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm thì bản án, quyết định sơ thẩm của

Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp “bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, căn cứ vào cách thức tổ chức của hệ thống Tòa án của Việt Nam cho thấy, Tòa án cấp trên có thẩm quyền xét xử lại vụ án sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo, kháng nghị và phúc thẩm được coi như cấp xét xử thứ hai trên cấp xét xử sơ thẩm.

Xét xử phúc thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm khắc phục sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hình minh họa. Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là gì? Tính chất và ý nghĩa xét xử phúc thẩm

2. Tính chất của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Như đã đề cập, xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Như vậy, đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hoặc một phần. Điều kiện “chưa có hiệu lực pháp luật” của bản án, quyết định sơ thẩm cho phép phân biệt đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, còn đã có hiệu lực pháp luật thì có thể là đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung một khoản (khoản 2) quy định rõ về các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm có thể xét lại khi các quyết định đó bị kháng cáo, kháng nghị. Các quyết định đó bao gồm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án; Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và Quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc quy định rõ các quyết định trong điều luật có ý nghĩa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát, người có quyền lợi liên quan đến các quyết định đó xác định được rõ các quyết định nào của Tòa án cấp sơ thẩm có thể được kháng cáo, kháng nghị để thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị của mình.


3. Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Những quy định về xét xử phúc thẩm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc sửa chữa những sai lầm trong giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, đồng thời là một bảo đảm để quyền con người được thực thi trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tòa án cấp phúc thẩm khi kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm có khả năng phát hiện ra những sai lẩm, thiếu sót trong việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, thông qua đó bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đối với tất cả các vụ án sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, những người tham gia tố tụng được pháp luật quy định có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị. Nội dung của kháng cáo, kháng nghị là căn cứ để Tòa án cấp trên trực tiếp của cấp đã xét xử sơ thẩm lấy vụ án để xem xét và xét xử lại theo những nội dung đó. Thông qua việc kiểm tra, phát hiện và sửa chữa những sai lầm của Tòa án cấp dưới, Tòa án cấp trên giải thích và vận dụng đúng pháp luật. Do đó, bên cạnh ý nghĩa bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, xét xử phúc thẩm còn có ý nghĩa trong việc áp dụng đúng đắn và thống nhất pháp luật.

4.8/5 - (99 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.