Xã hội hoá thi hành án dân sự là gì?

0 497

1. Khái niệm xã hội hoá thi hành án dân sự là gì?

Xã hội hoá là một trong những giải pháp quan trọng trong việc cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và huy động các nguồn lực cho sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay thì xã hội hoá là hướng đi tất yếu. Bản chất của xã hội hoá là chuyển những công việc không nhất thiết cứ phải do các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện cho các cá nhân, tổ chức tư nhân thực hiện. Vì vậy, xã hội hoá thi hành án dân sự thực chất là việc chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức tư nhân thực hiện một số công việc về thi hành án dân sự.

Mục đích của thi hành án dân sự là thực hiện được các quyết định trong bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước. Việc thi hành án dân sự phức tạp nên trước hết phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền – Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện bởi cơ quan này được giao thực hiện quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự bao gồm nhiều công việc khác nhau nếu chỉ do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thì nhiều khi cơ quan này không thể thực hiện được vì bị quá tải trong công việc và sẽ dẫn đến sự chây ỳ, chậm trễ trong thi hành án dân sự. Mặt khác, thi hành án dân sự bao gồm nhiều việc phức tạp việc thực hiện đòi hỏi phải tốn cả sức người và của. Nếu việc thi hành án dân sự chỉ do các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thì cũng không thể huy động được các nguồn lực trong xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công tác tổ chức thi hành án dân sự. Việc thi hành án dân sự chỉ do các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thì chi phí của Nhà nước cho công tác thi hành án dân sự sẽ rất lớn và là một trong những nguyên nhân gây bội chi ngân sách nhà nước. Hơn nữa, thi hành án dân sự trước hết là vì quyền, lợi ích của các đương sự. Trong thi hành án dân sự, các đường sự là người được hưởng lợi ích trực tiếp từ việc thi hành án dân sự cho nên nếu mọi việc về thi hành án dân sự đều do cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đảm nhiệm thực hiện là không hợp lý. Để huy động được các nguồn lực trong xã hội và đổi mới phương thức quản lý xã hội, Đảng đã chủ trương Nhà nước cần giảm việc can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở và các quan hệ dân sự, tập trung hướng mạnh vào xây dựng thể chế, sử dụng các công cụ điều hành vĩ mô. Vì vậy, việc xã hội hoá thi hành án dân sự ở nước ta là rất cần thiết, phù hợp quan điểm của Đảng về cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và cải cách tư pháp ở nước ta.

Xã hội hoá thi hành án dân sự góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục trong thi hành án dân sự từ đó cũng nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thi hành án dân sự. Xã hội hoá thi hành án dân sự huy động được các nguồn lực trong xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp, khắc phục tình trạng chây ỳ, trì trệ trong thi hành án dân sự. Ngoài ra, xã hội hoá thi hành án dân sự còn có ý nghĩa giảm bớt đáng kể áp lực công việc cho cơ quan thi hành án dân sự, tạo ra một số công việc mới cho xã hội và giảm chi phí của ngân sách nhà nước cho công tác thi hành án dân sự.

Xã hội hoá thi hành án dân sự tạo ra cơ chế thi hành án dân sự hợp lý, trong đó ngoài Nhà nước, các cá nhân, tổ chức khác đều được đóng góp công, của cho việc thi hành án dân sự làm cho việc thi hành các bản án, quyết định dân sự được nhanh chóng và hiệu quả. Tuy vậy, để xã hội hoá thi hành án dân sự có hiệu quả thì phải bảo đảm được các yêu cầu cơ bản sau:

– Xã hội hoá thi hành án dân sự phải tạo ra cơ hội cho các cá nhân, tổ chức được đóng góp công, của cho thi hành án dân sự.

– Xã hội hoá thi hành án dân sự phải tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể được chủ động trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quá trình thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm về việc thực hiện đó.

– Xã hội hoá thi hành án dân sự phải tạo được cơ chế thi hành án dân sự trong đó các cá nhân, tổ chức tư nhân được thực hiện một số công việc thi hành án dân sự.

– Xã hội hoá thi hành án dân sự phải bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các đương sự và cá nhân, tổ chức tham gia thi hành án dân sự.

Ngoài ra, xã hội hoá thi hành án dân sự phải nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước đối với thi hành án dân sự.

Hình minh họa. Xã hội hoá thi hành án dân sự là gì?

2. Nội dung của xã hội hoá thi hành án dân sự

Xã hội hoá thi hành án dân sự là vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thi hành án dân sự. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là phải xác định được chính xác các nội dung cơ bản của xã hội hoá thi hành án dân sự. Việc xác định chính xác các nội dung cơ bản của xã hội hoá thi hành án dân sự sẽ bảo đảm cho xã hội hoá thi hành án dân sự phát huy được tác dụng còn nếu không thì kết quả sẽ ngược lại.

Trong thi hành án dân sự, các đương sự có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án và có quyền tự định đoạt quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Nếu các đương sự có hiểu biết đúng về pháp luật, nhận thức đúng các quyền và nghĩa vụ của họ trong thi hành án dân sự thì họ sẽ tự nguyện thực hiện và việc thi hành án dân sự sẽ thuận lợi. Vì vậy, trước hết phải xã hội hoá thi hành án dân sự việc tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án dân sự. Theo đó, mọi cá nhân, tổ chức đều được tham gia vào việc tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự phức tạp, các công việc thuộc về tổ chức thi hành án dân sự đòi hỏi phải sử dụng quyền lực của Nhà nước mới thực hiện được như việc ra quyết định thi hành án, cưỡng chế thi hành án vv. thì không xã hội hoá. Tuy vậy, đối với một số công việc mà việc thực hiện không nhất thiết phải sử dụng quyền lực của Nhà nước mới thực hiện được như việc xác minh tài sản, địa chỉ của người phải thi hành án dân sự, bảo quản, định giá và bán tài sản kê biên vv. thì có thể xã hội hoá. Đối với những công việc đó có thể giao cho các cá nhân, tổ chức tư nhân thực hiện và đương sự phải chi trả các chi phí cho việc thực hiện chúng.

Để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia tổ chức thi hành án dân sự có thể thiết lập mô hình tổ chức thi hành án. bán công (như Nhật Bản) hoặc mô hình tổ chức thi hành án tư nhân (như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lucxembourg và Hungary). Nếu theo mô hình tổ chức thi hành án bán công, việc tổ chức thi hành án dân sự sẽ do cả công chức và viên chức đảm nhiệm, thù lao của họ trước hết lấy từ phí thi hành án do đương sự nộp, trường hợp phí thi hành án đương sự nộp không đủ để chi trả thì Nhà nước hỗ trợ. Nếu theo mô hình tổ chức thi hành án tư nhân thì việc tổ chức thi hành án do các văn phòng, tổ chức thi hành án dân sự tư nhân đảm nhiệm. Các văn phòng, tổ chức

thi hành án dân sự tư nhân được giao thực hiện một số công việc về thi hành án dân sự, tự chủ về kinh phí hoạt động, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thi hành án của mình.

Ngoài ra, để bảo đảm việc thi hành án nhanh chóng và đúng pháp luật thì việc kiểm tra, giám sát, kiểm sát các hoạt động thi hành án dân sự là rất cần thiết. Tuy vậy, hiện nay mới chỉ thực hiện được việc kiểm tra, kiểm sát các hoạt động thi hành án dân sự là chủ yếu còn việc giám sát các hoạt động thi hành án dân sự rất hạn chế. Việc kiểm sát, kiểm tra các hoạt động thi hành án dân sự do viện kiểm sát, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thực hiện nên vừa tốn kém cho Nhà nước mà nhiều khi không có hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này cần phải tăng cường việc giám sát của nhân dân đối với các hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, cần giao cho các cá nhân, tổ chức giám sát các hoạt động thi hành án dân sự. Các cá nhân, tổ chức có thể trực tiếp thực hiện việc giám sát các hoạt động thi hành án dân sự hoặc thông qua các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền do pháp luật quy định.

– Hiện nay, LTHADS năm 2008 và LSĐBSLTHADS năm 2014 chưa quy định cụ thể về xã hội hoá thi hành án dân sự. Tuy vậy, để thực hiện chủ trương xã hội hoá thi hành án dân sự của Đảng và Nhà nước tại Mục 2 Nghị quyết của Quốc hội khóa XII số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về việc thi hành LTHADS có giao cho Chính phủ tổ chức thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương. Trên cơ sở của Nghị quyết này, ngày 19/02/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh” và ngày 24/7/2009 Chính phủ đã ra Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo các quy định này thì việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/12/2012. Tuy vậy, sau một thời gian thực hiện, ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; ngày 18/10/2013, Chính phủ ra Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015. Đến nay, theo Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định thừa phát lại thì chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016.

Theo các văn bản quy định về thực hiện chế định thừa phát lại nêu trên, để trang trải cho hoạt động thi hành án dân sự thừa phát lại được thu phí thừa phát lại theo nguyên tắc đối với những loại công việc mà Nhà nước đã quy định về phí đang được áp dụng thì khi thực hiện các công việc này thừa phát lại thu phí theo các quy định đó; đối với những loại công việc mà Nhà nước chưa quy định về phí và một số công việc khó khăn, phức tạp thì phí thừa phát lại do thừa phát lại và bên yêu cầu thực hiện công việc thoả thuận.

4.9/5 - (95 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap