Vị trí, vai trò của tâm lý học trong cuộc sống và hoạt động của con người
1. Vị trí của tâm lý học trong hệ thống các khoa học
Trong tất cả các ngành khoa học, triết học có thể được coi là khoa học trung tâm, là nền tảng của tất cả các ngành khoa học khác. Từ thời cổ đại, triết học hình thành và trong suốt một thời gian rất dài của quá trình phát triển, các trường phái triết học (duy vật và duy tâm) luôn có sự đấu tranh gay gắt với nhau trong quan niệm về vấn đề cơ bản của triết học: vật chất có trước hay tinh thần, ý thức có trước?
Trong quá trình phát triển, triết học dần dần được phân hóa thành các bộ môn khoa học khác nhau. Các bộ môn khoa học này đều có mối liên quan mật thiết với nhau trong sự thống nhất của thế giới, nhưng đồng thời mỗi khoa học lại có vị trí độc lập tương đối, bởi vì chúng có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Về vấn đề này, Ph.Ănghen đã từng nói: mỗi khoa học nghiên cứu một dạng vận động riêng của vận động hay một dãy các dạng vận động liên quan và chuyển tiếp từ dạng này sang dạng khác.
Ngày nay, triết học duy vật biện chứng đã khẳng định được vị trí của mình trong mối quan hệ với các khoa học khác. Triết học duy vật biện chứng là khoa học nền tảng, là khoa học cơ sở, là “kim chỉ nam” cho tất cả các ngành khoa học khác, cho dù đó là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay kỹ thuật.
Mỗi ngành khoa học nghiên cứu một dạng vận động riêng. Các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu các dạng vận động của tự nhiên như vật lý toán học, hóa học, sinh học…Các ngành khoa học xã hội thì nghiên cứu các dạng vận động của xã hội, các hình thái xã hội, các góc độ khác nhau của xã hội nói chung như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, văn học…Trong mối quan hệ với các khoa học khác, tâm lý học được coi là một khoa học trung gian nằm giữa các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, vì tâm lý học là một khoa học nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý của con người. Các hiện tượng tâm lý con người có cơ sở vật chất là các đặc điểm sinh lý của cơ thể (thể chất, cấu trúc sinh học của cơ thể, não và hệ thần kinh, các cơ quan cảm giác) nhưng đồng thời tâm lý con người lại có bản chất xã hội, phản ánh cuộc sống xã hội lịch sử. Do đó, tâm lý học vừa có tính chất của một khoa học tự nhiên, vừa có tính chất của một khoa học xã hội.
Nằm ở vị trí trung gian, tâm lý học có quan hệ mật thiết với cả các ngành khoa học tự nhiên và các ngành khoa học xã hội. Nó sử dụng thành quả của các ngành khoa học khác để nghiên cứu, giải thích đời sống tâm lý con người đồng thời thành quả nghiên cứu của nó lại được ứng dụng trong các ngành khoa học khác.
2. Vai trò của tâm lý học đối với hoạt động và cuộc sống của con người
Nghiên cứu tâm lý con người là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho ngành khoa học này ra đời muộn hơn so với nhiều ngành khoa học khác. Tuy vậy, từ trước khi tâm lý học ra đời và cho đến tận ngày nay, việc nghiên cứu tâm lý con người luôn có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và trong hoạt động của con người. Thực tế đã chứng minh rằng, trong mọi thời kỳ phát triển của lịch sử loài người và trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều có sự đóng góp không nhỏ của tâm lý học.
Đối với hoạt động của cá nhân, chính các hiện tượng tâm lý giúp cho cá nhân định hướng, điều khiển và điều chỉnh hoạt động. Mục đích cao nhất của hoạt động lao động là tạo ra năng suất, hiệu quả lao động cao. Để đạt được mục đích này, cần có những điều kiện nhất định như: sự hiểu biết về lĩnh vực lao động; lựa chọn và chế tạo công cụ lao động phù hợp; đảm bảo an toàn lao động; tổ chức lao động một cách hợp lý và khoa học… Những điều kiện này có được đều nhờ vào sự tham gia của tri thức tâm lý học.
Đối với các hoạt động xã hội của con người, tâm lý học cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành pháp lý (công an, tòa án, kiểm sát), muốn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc, các cán bộ pháp lý phải nắm vững nội dung, quá trình biến đổi và phát triển của tâm lý con người nói chung. Trong quá trình điều tra, xét xử, giam giữ và cải tạo người phạm tội, chúng ta cũng rất cần đến kiến thức về tâm lý của con người, đặc biệt là người phạm tội. Kiến thức tâm lý học cũng được vận dụng rất nhiều trong lĩnh vực quản lý xã hội, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ. Vấn đề hiểu người, đánh giá con người, đào tạo và bồi dưỡng con người, sử dụng con người, tạo bầu không khí tâm lý xã hội và dư luận xã hội tích cực…đều sử dụng các tri thức tâm lý và đồng thời đó cũng là những vấn đề rất quan trọng của tâm lý học.
Có thể nói, hầu khắp các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội như: văn hóa, y tế, kinh doanh, du lịch, thương mại, ngoại giao…đều cần có sự tham gia của tâm lý học. Vì thế, sự ra đời của các khoa học liên ngành (như tâm lý học y học, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học du lịch, tâm lý học giao tiếp, tâm lý học thể thao…) là tất yếu và là minh chứng cụ thể khẳng định vai trò to lớn của tâm lý học đối với các ngành khoa học khác và cuộc sống xã hội của con người.
Tóm lại, tâm lý học ngày nay có vai trò rất quan trọng và nó đã thực sự đi vào cuộc sống và hoạt động của con người.