Vi phạm pháp luật là gì? Dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật
1. Vi phạm pháp luật là gì?
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.
Trên cơ sở đó có thể khẳng định vi phạm pháp luật là hiện tượng nguy hiểm, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội và người dân. Bất kỳ Nhà nước nào cũng phải đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm.
Tuy nhiên, một trong các trở ngại đối với các nỗ lực đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật đó là vi phạm pháp luật rất đa dạng, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và các mức độ khác nhau, nó có thể được che giấu rất tinh vi và lẫn vào các hoạt động hợp pháp khác. Việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vi phạm pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp cho việc nhận diện, đánh giá một hiện tượng xã hội có phải là là vi phạm pháp luật hay không mà còn là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý, từ đó Nhà nước có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu hiện tượng này trong đời sống.
2. Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật được nhận diện trước hết là nhờ có các dấu hiệu cơ bản sau:
2.1. Là hành vi xác định của con người
Không thể coi ý nghĩ, tư tưởng, nhận thức, ý chí của con người là vi phạm pháp luật nếu chúng không biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan bằng các hành vi cụ thể. Về vấn đề này, C.Mác đã viết: “Ngoài hành vi của mình ra, tôi hoàn toàn không tồn tại đối với pháp luật, hoàn toàn không phải là đối tượng của nó. Những hành vi của tôi – đó là lĩnh vực duy nhất trong đó tôi đụng chạm với pháp luật, bởi vì hành vi là cái duy nhất vì nó mà tôi đòi quyền tồn tại, quyền hiện thực và như vậy là do nó mà tôi rơi vào quyền lực của pháp luật hiện hành”. Như vậy vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi của con người hoặc là hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội… Đây là dấu hiệu không thể thiếu khi xác định một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật, nói cách khác, không có hành vi nguy hiểm của con người thì không có vi phạm pháp luật. Hành vi đó có thể biểu hiện dưới dạng hành động (Ví dụ: Làm bằng cấp giả, đánh bạc, dùng dao đâm chém người khác) hoặc không hành động (Ví dụ: Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi mình có điều kiện cứu giúp, không tố giác tội phạm…) của các chủ thể pháp luật.
2.2. Tính trái pháp luật của hành vi
Hành vi trái pháp luật là hành vi được thực hiện không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. Tính trái pháp luật của hành vi thể hiện dưới các dạng sau:
– Thực hiện những hành vi mà pháp luật ngăn cấm, như trộm cắp, lừa đảo, giết người… Hoặc thực hiện không đúng những hành vi mà pháp luật cho phép như lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo làm hại người khác…
– Không thực hiện những hành vi mà pháp luật yêu cầu. Ví dụ: Trốn thuế, không tố giác tội phạm…
– Sử dụng quyền vượt quá giới hạn, phạm vi cho phép của pháp luật như vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Cần lưu ý, về nguyên tắc, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Điều đó có nghĩa là những gì pháp luật không cấm, không xác lập và bảo vệ thì dù có làm trái, có xâm hại cũng không bị coi là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như những hành vi trái với quy định của các tổ chức chính trị – xã hội, trái với đạo đức, tôn giáo hay phong tục tập quán… mà không trái pháp luật thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
2.3. Có lỗi của chủ thể thực hiện hành vi
Để có cơ sở xác định vi phạm pháp luật từ đó truy cứu trách nhiệm pháp lý, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chỉ nghiên cứu, xem xét các biểu hiện bên ngoài của hành vi như dấu hiệu trái pháp luật mà còn cần nghiên cứu cả những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật đó như lỗi, động cơ, mục đích. Trong đó lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất, là nội dung cơ bản thể hiện mặt chủ quan của cấu thành vi phạm pháp luật, không xác định được yếu tố lỗi thì không thể xác định vi phạm pháp luật.
Trong khoa học pháp lý, lỗi chỉ được đặt ra khi chủ thể có hành vi trái pháp luật. Lỗi được hiểu là trạng thái tâm lý phản ánh thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật của họ và hậu quả của hành vi chứ không phải là bản thân hành vi đó.
Thông thường, mỗi hành vi đều được thực hiện dựa trên cơ sở nhận thức và kiểm soát của chủ thể. Chỉ khi chủ thể nhận thức được hành vi và
thấy trước hậu quả của hành vi do mình gây ra, được tự do quyết định và lựa chọn phương án xử sự cho mình thì chủ thể mới bị coi là có lỗi và hành vi trái pháp luật đó mới có thể bị coi là vi phạm pháp luật. Ví dụ: Do ghen tuông, A đánh B gây thương tích với tỷ lệ thương tật là trên 25%. Trong trường hợp này, hành vi gây thương tích cho B là hành vi có lỗi, nó xuất phát từ yếu tố tâm lý bên trong của A làm A mất kiểm soát và đã dẫn tới việc A thực hiện hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội mà đối tượng trực tiếp ở đây là quyền con người được Nhà nước thông qua pháp luật hình sự bảo vệ. Đây là kết quả của sự tự lựa chọn đưa ra quyết định của A trong khi A có thể đưa ra sự lựa chọn khác không trái với quy định của pháp luật.
Trên thực tế vẫn có những hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan, như trường hợp bất khả kháng hay sự kiện bất ngờ, con người không có khả năng nhận thức hoặc lựa chọn được cách xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật thì chủ thể thực hiện hành vi đó không bị coi là có lỗi và hành vi đó không bị coi là vi phạm pháp luật.
2.4. Chủ thể thực hiện hành vi phải có năng lực trách nhiệm pháp lý
Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng của chủ thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý do nhà nước áp dụng khi chủ thể vi phạm pháp luật.
Năng lực trách nhiệm pháp lý của cá nhân được xác định dựa vào hai yếu tố là độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của cá nhân ở thời điểm hành vi được thực hiện. Khi còn ít tuổi, trẻ em có thể nhận thức và điều khiển được hành vi của mình nhưng do chưa phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực và tâm sinh lý nên chúng chưa có khả năng nhận thức và đánh giá được hết những hậu quả do hành vi của chúng gây ra cho xã hội vì thế nhà nước không bắt chúng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình đồng nghĩa với việc không quy định về năng lực trách nhiệm pháp lý đối với chúng. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm pháp lý của cá nhân được pháp luật quy định khác nhau trong mỗi loại quan hệ xã hội khác nhau, phụ thuộc vào tầm quan trọng, tính chất của những mối quan hệ xã hội đó. Ngoài ra, đối với người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình ở thời điểm thực hiện hành vi (chẳng hạn, người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không nhận thức, làm chủ được hành vi…) thì pháp luật cũng quy định họ không phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.
Năng lực trách nhiệm pháp lý của tổ chức được hình thành khi tổ chức đó được thành lập một cách hợp pháp, được nhà nước công nhận mặc dù mỗi loại tổ chức khác nhau có thể được thành lập theo những trình tự và thủ tục khác nhau. Hành vi của những người đại diện hợp pháp cho tổ chức sẽ làm phát sinh trách nhiệm của tổ chức.
Tóm lại, các dấu hiệu trên đây là cơ sở để nhận diện một vi phạm pháp luật, nghĩa là một hiện tượng cụ thể xảy ra trong đời sống chỉ bị coi là vi phạm pháp luật khi chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu đã nêu.