Tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Tù có thời hạn là gì?
Tù có thời hạn là một trong các hình phạt, theo đó buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
2. Phân tích quy định về tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Kế thừa những nguyên tắc cơ bản người chưa thành niên phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có những thay đổi quan trọng như thay thế cụm từ người chưa thành niên phạm tội thành cụm từ người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu giáo dục, cải tạo người phạm tội nhận ra những sai lầm khuyết điểm và làm sao để có điều kiện tốt nhất để hòa nhập với cộng đồng. Một trong những chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự là việc áp dụng mức hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:
– Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
– Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật thì khung hình phạt cao nhất được áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội là không quá 18 năm tù.
Ở gần cuối khoản 1 và khoản 2 Điều này đều có cụm từ “mức phạt tù mà điều luật quy định” ngoài ra cũng chưa có văn bản gì hướng dẫn rõ ràng vấn đề này nên việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn cho người dưới 18 tuổi khi phạm tội có thể sẽ có ba cách hiểu và vận dụng khác nhau như sau:
– Một là, theo khoản 6 – Điều 91 Bộ luật Hình sự có quy định: Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất, như vậy đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 1 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư và đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 2 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai.
Ví dụ: Phạm Thị H phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, tính đến ngày thực hiện hành vi phạm tội thì mới 17 tuổi, bị truy tố theo khoản 2 – Điều 194 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù là 05 năm đến 10 năm. Đặt giả thuyết hình phạt được áp dụng đối với H cao nhất là 07 năm tù nhưng do H dưới 18 tuổi nên hình phạt cao nhất không quá ba phần tư của 07 năm tức là 05 năm 25 ngày.
– Hai là, khi áp dụng tù có thời hạn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 1 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư và đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 2 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức hình phạt cao nhất mà khung hình phạt của điều luật quy định. Như vậy, theo ví dụ trên đây thì mức hình phạt cao nhất mà H có thể sẽ là 07 năm 06 tháng.
– Ba là, khi áp dụng tù có thời hạn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 1 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư và đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 2 – Điều 101 Bộ luật Hình sự hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức hình phạt cao nhất mà điều luật quy định. Như vậy, theo ví dụ trên đây thì Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt cao nhất của điều luật là 20 năm, tức là H có thể bị xử phạt ba phần tư của 20 năm là 15 năm tù.
Trong ba cách tính trên đây thì theo cách thứ nhất là tương đối phù hợp nhất, bởi nó sẽ phù hợp với các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, chính sách pháp luật của hình sự đối với người chưa đủ 18 tuổi chủ yếu là giáo dục, cải tạo, giúp cho họ nhận ra sai lầm để có ý thức trong việc chấp hành pháp luật và trở thành người tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm đối với cách tính thứ hai và thứ ba vẫn có thể áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong từng trường hợp cụ thể khi người dưới 18 tuổi phạm tội rất nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, khả năng sửa chữa, rèn luyện, khắc phục khuyết điểm không còn thì vẫn có thể áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn để răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Tuy nhiên, khi một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội và có hành vi thực hiện trước, có hành vi thực hiện sau 18 tuổi thì sẽ được quy định như sau:
– Nếu hình phạt của hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nặng hơn thì không quá 18 năm tù;
– Nếu hình phạt của hành vi phạm tội sau 18 tuổi nặng hơn thì áp dụng khung hình phạt của tội sau 18 tuổi gây ra.
Trong trường hợp này, nếu một người thực hiện có hành vi phạm tội trước và sau khi đủ 18 tuổi, khung hình phạt áp dụng cho tội sau 18 tuổi gây ra là tử hình thì người này sẽ bị áp dụng khung hình phạt là tử hình.