Luật Hôn nhân gia đình hiện hành quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai. Vậy trường hợp nào chồng vẫn được ly hôn khi vợ đang mang thai? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này.
1. Trường hợp nào chồng vẫn được ly hôn khi vợ đang mang thai?
Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Thứ nhất là vợ hoặc chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Thứ hai là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ/chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác và không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng/vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng cũng như sức khỏe, tinh thần của họ.
Và thứ ba là người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì pháp luật chỉ quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai mà không cấm người vợ có yêu cầu ly hôn khi họ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, nếu người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi có yêu cầu ly hôn thì vẫn được pháp luật xem xét và giải quyết. Và trường hợp này, người chồng có thể vẫn được ly hôn khi vợ đang mang thai.
2. Mang thai khi ly hôn sẽ được những quyền lợi gì?
Như vậy, theo nội dung trên thì người chồng vẫn có thể được ly hôn khi vợ đang mang thai khi người yêu cầu ly hôn là người vợ. Về quyền lợi khi ly hôn đối với người mang thai, căn cứ theo khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau.
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục:
– Con chưa thành niên
– Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự
– Con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó vợ, chồng sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đối với con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy theo quy định trên khi ly hôn khi vợ mang thai thì khi sinh con, con dưới 36 tháng người mẹ được trực tiếp nuôi con. Nếu sau khi con 3 tuổi mà chứng minh mình đủ điều kiện kinh tế, điều kiện sống, học tập của con thì người bố có thể được giành quyền nuôi con.
Ngoài ra, người chồng vẫn phải có nghĩa vụ chu cấp cho con sau khi ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.