Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng

0

Khi nơi xảy ra cháy không may mất kiểm soát gây cháy lớn và có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng thì ai sẽ có trách nhiệm xử lý trong trường hợp đó?.  Sau đây LawFirm.Vn sẽ đi tìm hiểu về trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 sửa đổi 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).

Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. (Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001).

2. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy

Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 sửa đổi 2013 quy định về trách nhiệm chữa chyas và tham gia chữa cháy như sau

– Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

– Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

– Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

Hình minh họa. Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng

3. Nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy như sau

Nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy

– Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước, chất và vật liệu chữa cháy để chữa cháy;

– Xác định khu vực chữa cháy, đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy;

– Đề ra các yêu cầu về bảo đảm giao thông, trật tự;

– Tổ chức hậu cần chữa cháy, phục vụ chữa cháy và y tế;

– Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy;

– Tổ chức công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy;

– Tổ chức thông tin về vụ cháy;

– Quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy;

– Phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy;

– Tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy;

– Đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho chữa cháy.

Chỉ đạo chữa cháy được áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 39 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.

Nhiệm vụ của người chỉ đạo chữa cháy là tổ chức và chỉ đạo các hoạt động bảo đảm chữa cháy an toàn, hiệu quả và khắc phục hậu quả vụ cháy.

Lưu ý:

– Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến đám cháy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

4. Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng

Căn cứ tại Điều 39 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiệm trọng thì:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra cháy có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy;

– Nếu vượt quá khả năng của mình thì nhanh chóng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên chỉ đạo giải quyết;

– Trường hợp thật cần thiết thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

– Trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chỉ đạo giải quyết.

– Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kết luận: Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng được thực hiện theo các quy định tại Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 sửa đổi 2013, Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Hi vọng LawFirm.Vn đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc.

5/5 - (94 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.