Trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách
Trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe có những trách nhiệm gì và hành khách có những quyền và nghĩa vụ như thế nào? Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dung này qua Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018 và đã được hợp nhất bằng Văn bản hợp nhất số 53/VBHN-VPQH năm 2018, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
1. Khái niệm
– Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới. (khoản 24 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
– Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền. (khoản 26 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
2. Trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách
Theo Điều 70 Luật Giao thông đường bộ 2008, trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách được quy định như sau:
– Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành.
– Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định.
– Kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa bảo đảm an toàn.
– Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.
– Đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy.
3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe
– Đối tượng tập huấn: người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
– Nội dung tập huấn: theo chương trình khung của Bộ Giao thông vận tải.
– Thời điểm tập huấn:
+ Trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải;
+ Định kỳ không quá 03 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.
– Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Đảm bảo đúng các nội dung theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;
+ Trong quá trình tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải được phối hợp với đơn vị vận tải khác, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiệp hội vận tải ô tô địa phương, cơ sở đào tạo người lái xe ô tô, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, các trường đào tạo từ trung cấp trở lên (các trường có chuyên ngành vận tải) để tổ chức tập huấn cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;
+ Trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát;
+ Cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập huấn theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này; lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu trong 03 năm.
(Điều 16 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT)
4. Quyền và nghĩa vụ của hành khách
Theo Điều 71 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:
– Hành khách có các quyền sau đây:
+ Được vận chuyển theo đúng hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;
+ Được miễn cước hành lý với trọng lượng không quá 20 kg và với kích thước phù hợp với thiết kế của xe;
+ Được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
– Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:
+ Mua vé và trả cước, phí vận tải hành lý mang theo quá mức quy định;
+ Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; chấp hành quy định về vận chuyển; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
+ Không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.
Kết luận: Theo đó, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách phải tuân thủ đúng trách nhiệm và thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.