Để hoạt động đầu tư xây dựng và sử dụng công trình an toàn. Nhà nước quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình nhằm tránh xảy ra sai sót trong quá trình. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
– Cháy là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường. (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
– Chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ. ( khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
– Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. ( khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001)
2. Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới như sau
– Lập dự án thiết kế theo đúng quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Chỉ tiến hành thi công, xây dựng khi hồ sơ thiết kế công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
– Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy ảnh hưởng đến một trong các nội dung quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì lập thiết kế bổ sung để bảo đảm theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy và chữa cháy và phải được thẩm duyệt các nội dung thay đổi, điều chỉnh trước khi thi công;
– Tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định và chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu;
– Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng;
– Cung cấp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới cho đơn vị quản lý, vận hành khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng để xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
– Xuất trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công
Khoản 2 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công như sau
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về hoạt động tư vấn dự án và tư vấn giám sát trong phạm vi của hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn;
– Tham gia trong quá trình nghiệm thu.
4. Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế
Khoản 3 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế như sau
– Thiết kế bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm thiết kế công trình;
– Thực hiện quyền giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp công trình.
5. Trách nhiệm của đơn vị thi công
Khoản 4 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của đơn vị thi công như sau
– Thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt;
– Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của mình trong suốt quá trình thi công đến khi bàn giao công trình;
– Lập hồ sơ hoàn công; chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để phục vụ công tác nghiệm thu và tham gia nghiệm thu công trình.
6. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và cơ quan cấp giấy phép xây dựng
Khoản 5 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và cơ quan cấp giấy phép xây dựng như sau
– Cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định chỉ phê duyệt dự án, công trình khi có văn bản trả lời kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 11 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Cơ quan cấp giấy phép xây dựng trước khi cấp giấy phép có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư xuất trình Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nếu có) và bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
Khoản 6 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy như sau
– Xem xét, trả lời về địa điểm xây dựng công trình quy định tại mục 15 và 16 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định (trừ trạm cấp xăng dầu nội bộ và cơ sở sử dụng khí đốt), giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với đồ án quy hoạch xây dựng, hồ sơ thiết kế cơ sở quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
– Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định.
Kết luận: Trên đây và quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình được quy định rõ nhằm tránh xảy ra sai sót trong quá trình qua Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Các cá nhân tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc để tránh các rủi ro pháp lý.