Dưới đây là một số Đề thi môn Nhượng quyền thương mại do LawFirm.Vn tổng hợp xin chia sẻ để các bạn tham khảo, ôn tập.
1. Đề thi môn Nhượng quyền thương mại số 01
Lý thuyết
Phân biệt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bài tập
Công ty A (bên nhượng quyền) kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn nhanh dự kiến cấp quyền thương mại cho công ty B (bên nhận quyền) theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trước khi ký hợp đồng, công ty A cung cấp cho công ty B Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại trong đó đầy đủ các nội dung, thông tin bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu kỹ bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại, Công ty B nhận thấy hệ thống nhượng quyền này là một mô hình kinh doanh rất thành công, ít rủi ro và tiềm năng phát triển còn lớn, chính vì vậy, công ty B quyết định giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại với công ty A. Thế nhưng sau hơn hai năm kinh doanh, doanh thu của cửa hàng vẫn không tăng, so với thời điểm khai trương mà còn có xu hướng giảm, dẫn đến các khoản lỗ lớn và có nguy cơ phá sản..
Trước tình hình đó, công ty B yêu cầu chấm dứt hợp đồng và đòi công ty A phải bồi thường thiệt hại cho mình vì công ty A đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Mà cụ thể là theo Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại trong phần mô tả thị trường của hàng hóa, dịch vụ ở nội dung triển vọng cho sự phát triển của thị trường được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại, công ty A đã cho rằng “triển vọng của sự phát triển của hệ thống nhượng quyền là rất lớn, có khả năng chiếm đến 30% thị phần trong thời gian 3 năm tới.
Khi đó, doanh thu ước tính của toàn hệ thống lên đến 100 tỷ/năm và lợi nhuận ròng khoảng 30 tỷ /năm”. Tuy nhiên phía bên nhượng quyền không đồng ý vì cho rằng những con số nói trên chỉ là dự tính và họ buộc phải dự tính vì đó là nội dung bắt buộc phải có trong Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại. Mà dự tính thì có thể đúng hoặc sai, vì vậy công ty A không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, hãy trình bày ý kiến về việc giải quyết tranh chấp trên./.
2. Đề thi môn Nhượng quyền thương mại số 02
Lý thuyết
Phân biệt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp theo quy định của pháp luật hiện hành. (4 điểm)
Bài tập
Công ty A (bên nhượng quyền) kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn nhanh cấp quyền thương mại cho công ty B (bên nhận quyền) theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Sau khi ký hợp đồng, bên nhượng quyền tiến hành tư vấn thiết kế, địa điểm kinh doanh, cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo ban đầu… cho bên nhận quyền.
Trong một lần kiểm tra đột xuất hoạt động của bên nhận quyền, bên nhượng quyền phát hiện thức ăn của cửa hàng bên nhận quyền không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của hệ thống do sai về kỹ thuật chế biến.
Thế nên, bên nhượng quyền quyết định chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại theo một điều khoản đã thỏa thuận “bên nhượng quyền có quyền chấm dứt hợp đồng thương mại trong trường hợp bên nhận quyền không đảm bảo chất lượng thức ăn theo yêu cầu của hệ thống”, ngoài ra, còn yêu cầu bên nhận quyền phải trả cho mình tất cả các khoản nợ còn thiếu.
Tuy nhiên, phía bên nhận quyền không đồng ý vì cho rằng tất cả nhân viên nhà bếp của mình là do bên nhượng quyền đào tạo và họ đã áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật đã được đào tạo khi chế biến thức ăn tại cửa hàng nhượng quyền. Vì thế, trong trường hợp này bên nhượng quyền đã vi phạm nghĩa vụ đào tạo ban đầu mà cụ thể là nhân viên của mình vẫn chưa nắm được kỹ thuật chế biến thức ăn theo hệ thống.
Ngoài ra, sau khi kết thúc thời gian đào tạo, bên nhận quyền cũng đã được thông báo rằng nhân viên của mình đã đạt yêu cầu của khóa đào tạo, vì vậy, bên nhận quyền mới là bên có quyền chấm dứt hợp đồng. Nếu bên nhượng quyền chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận quyền toàn bộ chi phí đã đầu tư để mở cửa hàng cùng với lợi nhuận phát sinh trong suốt thời gian còn lại của hợp đồng. (4 điểm)
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, hãy trình bày ý kiến về việc giải quyết tranh chấp trên./.
3. Đề thi môn Nhượng quyền thương mại số 03
Lý thuyết
Anh chị hãy so sánh hoạt động nhượng quyền thương mại và hoạt động đại lý mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bài tập
Ngày 20/02/2011 công ty A (bên nhượng quyền) là chủ sở hữu hệ thống Bún chả Đồng quê cấp quyền thương mại cho công ty B do ông M đại diện (bên nhận quyền) theo hợp đồng nhượng quyền thương mại với thời hạn 3 năm. Sau khi ký hợp đồng, bên nhượng quyền thực hiện các nghĩa vụ của mình như: tư vấn thiết kế, địa điểm kinh doanh, cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo ban đầu, chuyển giao cho bên nhận quyền tất cả các bí quyết để có thể nấu bún chả đúng hương vị đặc trưng của hệ thống. Hết hạn hợp đồng, các bên tiến hành đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận để gia hạn hợp đồng, thế nên hợp đồng chấm dứt. Sau đó, bên nhượng quyền tiến hành thu hồi tài liệu, cẩm nang vận hành, trang thiết bị đã cung cấp cho bên nhận quyền trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Sau khi hợp đồng nhượng quyền chấm dứt, tháng 03/2014 ông M rủ hai người bạn thành lập công ty TNHH Z để kinh doanh Bún chả Hương quê. Với kinh nghiệm quản lý, điều hành trong 3 năm nhận quyền, cùng với giá cả cạnh tranh và bí quyết nấu bún chả đúng hương vị của hệ thống bún chả Đồng Quê, Công ty Z đã lôi kéo rất nhiều khách hàng của hệ thống Bún chả Đồng quê vì thế kinh doanh của công ty A giảm sút nghiêm trọng. Ngày 10/03/2015, công ty A đã kiện M ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại vì cho rằng ông M đã vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền vì đích thân ông chế biến món bún chả Hương quê mà không chuyển giao công thức này cho bất kỳ ai.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, hãy trình bày ý kiến về việc giải quyết tranh chấp trên./.