Dưới đây là một số Đề thi môn Luật biển Việt Nam do LawFirm.Vn tổng hợp xin chia sẻ để các bạn tham khảo, ôn tập.
1. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 01
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (5 điểm)
1 – Việc hoạch định biên giới trên biển đều phải có sự thỏa thuận của các quốc gia.
2 – Tiếp giáp lãnh hải thực chất là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế.
3 – Đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là trùng nhau.
4 – Thềm lục địa địa chất chính là thềm lục địa pháp lý.
5 – Biển quốc tế là phần nước phía trên Vùng.
Lý thuyết
1 – Nếu khái niệm và phương pháp xác định đường cơ sở? Cho biết tầm quan trọng của việc xác định đường cơ sở đối với quốc gia ven biển? (3 điểm)
2 – Khu vực biển nào của Việt Nam chưa được phân định? (2 điểm)
2. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 02
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (5 điểm)
1 – Việc giải quyết tranh chấp biển phải có sự thỏa thuận của các quốc gia hữu quan.
2 – Chế độ pháp lý đối với tàu thuyền và phương tiện bay nước ngoài tại vùng nước và vùng trời của eo biển quốc tế là giống nhau.
3 – Chế độ pháp lý đối với tài nguyên sinh vật và tài nguyên không sinh vật của vùng đặc quyền kinh tế là giống nhau.
4 – Thềm lục địa chính là phần kéo dài tự nhiên của đất liền ra tới bờ ngoài của rìa lục địa.
5 – Vùng là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế.
Lý thuyết
1 – Phân tích các phương pháp xác định đường cơ sở? Tầm quan trọng của việc xác định đường cơ sở đối với quốc gia ven biển? (2 điểm)
2 – Phân tích quyền truy đuổi theo CƯLB 1982 (3 điểm)
Ghi chú: Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
3. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 03
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (4 điểm)
1 – Xác định đường cơ sở theo phương pháp nào là tùy thuộc vào sự lựa chọn của quốc gia ven biển.
2 – Trong vùng lãnh hải của mình, quốc gia ven biển không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào làm ảnh hưởng đến “Quyền đi qua không gây hại” của tàu thuyền nước ngoài.
3 – Mọi đảo, đá đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
4 – Khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS 1982, các quốc gia được quyền sử dụng ngay các biện pháp tài phán để giải quyết.
5 – Quy chế pháp lý của các tàu thuộc sở hữu của nhà nước là giống nhau.
6 – Chiều rộng của thềm lục địa địa chất và thềm lục địa pháp lý là như nhau.
Tự luận
Anh chị hãy (4 điểm)
1 – Chứng minh nhận định cho rằng: “trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, nội thủy là vùng biển quan trọng nhất”.
2 – Cho biết quan điểm của mình về nhận định sau đây: “Vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo chính là vùng nước nội thủy”./.
4. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 04
Tự luận
Anh chị hãy (5 điểm)
1 – Vẽ sơ đồ mô tả vị trí, ranh giới của các vùng biển theo UNCLOS 1982
2 – Cho biết tình hình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan.
Bài tập
Cho các tình huống sau đây (5 điểm)
1 – Có một tàu chở hàng mang cờ Ấn Độ trong hành trình đi qua lãnh hải Việt Nam đã dừng lại và thực hiện việc bốc, dỡ hàng hóa từ tàu này sang tàu khác. Anh chị hãy cho biết hành vi của chiếc tàu này có phù hợp với Luật biển quốc tế và Luật biển Việt Nam không? Tại sao?
2 – Có một chiếc tàu chở khách mang cờ Panama trong hành trình đi qua lãnh hải Việt Nam mà không vào nội thủy Việt Nam đã xảy ra một vụ đâm chém gây chết người. Anh chị hãy cho biết: Vụ việc náy sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của quốc gia nào? Tại sao?
3 – Có một tàu quân sự mang cờ Trung Quốc phóng đi và tiếp nhận các phương tiện bay lên tàu trong hành trình đi qua lãnh hải của Việt Nam. Anh chị hãy cho biết: Các lực lượng chức năng của Việt Nam có thẩm quyền xử lý hành vi của chiếc tàu này không? Tại sao?
4 – Có một tàu cá của ngư dân Indonesia không thu cất lưới và ngư cụ vào trong khoang khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh chị hãy cho biết: Các lực lượng chức năng của Việt Nam có thẩm quyền xử lý hành vi của chiếc tàu này không? Tại sao/
5 – Có một tàu nước ngoài chỉ treo cờ quốc tịch của tàu nhưng không treo cờ Việt Nam khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh chị hãy cho biết: Lực lượng chức năng của Việt Nam có thẩm quyền xử lý về hành vi này không? Tại sao?./.
5. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 05
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao? (10 điểm)
1 – Đặc quyền kinh tế là vùng biển quan trọng nhất của các quốc gia ven biển.
2 – Địa hình bờ biển là yếu tố quyết định phương pháp xác định đường cơ sở của quốc gia ven biển.
3 – Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải giống như chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế.
4 – Thềm lục địa của mọi quốc gia ven biển rộng tối đa là 350 hải lý.
5 – Phân định biển được đặt ra đối với mọi quốc gia có biển.
6 – Tự do hàng hải chính là quyền đi qua không gây hại trên các vùng biển theo quy định của UNCLOS 1982.
7 – Phần nước trên thềm lục địa của quốc gia ven biển có chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế.
8 – Quy chế pháp lý của lãnh hải theo quy định của UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 là giống nhau.
9 – Các thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 287 của UNCLOS 1982 được ưu tiên áp dụng mặc nhiên.
10 – Cho đến thời điểm này, Việt Nam mặc nhiên được coi là chọn Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 để giải quyết tranh chấp về giải thích hoặc áp dụng UNCLOS 1982./.
6. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 06
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao? (7.5 điểm)
1 – Nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển.
2 – Quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không chỉ được thực hiện ở vùng biển quốc tế.
3 – Mỗi đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển sẽ có các vùng biển tiếp liền như đối với đất liền của quốc gia ven biển đó.
4 – Biện pháp xử lý của quốc gia ven biển đối với các tàu nước ngoài vi phạm khi hoạt động trong các vùng biển của quốc gia ven biển là giống nhau.
5 – Theo UNCLOS 1982, Trọng tài quốc tế về Luật Biển theo Phụ lục VII có thẩm quyền ưu tiên trong thụ lý, giải quyết các vụ tranh chấp.
Bài tập
Tháng 05/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách Đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý. (2.5 điểm)
Anh chị hãy cho biết:
1 – Vị trí mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thuộc phạm vi vùng biển nào của Việt Nam? Tại sao?
2 – Hành động trên đây của Trung Quốc đã xâm phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán gì của Việt Nam? Nêu căn cứ pháp luật./.
7. Đề thi môn Luật Biển Việt Nam số 07
Nhận định
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao? (7 điểm)
1 – Trong mọi trường hợp hoạch định và phân định biển đều dựa vào sự thỏa thuận giữa các quốc gia.
2 – Mọi quốc gia đều có vùng đặc quyền kinh tế riêng.
3 – Đường biên giới quốc gia trên biển là đường phân định lãnh hải của các quốc gia đối diện hoặc tiếp giáp nhau.
4 – Việc quản lý, khai thác, bảo vệ vùng nước lãnh hải và vũng nước biên giới là giống nhau.
5 -Quyền “đi qua không gây hại” là một quyền mang tính biển và được áp dụng trên tất cả các vùng biển theo quy định của UNCLOS.
6 – Việt Nam có biên giới biển với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philipines.
7 – Khi xác định đường cơ sở thẳng, quốc gia ven biển có quyền kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm.
Tự luận
Anh chị hãy bình luận nội dung của Điều 282 và 287 của UNCLOS 1982./.