Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín
Quyền được đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ theo Điều 21 Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Mọi hành vi xâm phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi người bị xâm phạm có yêu cầu.
1. Các yếu tố cấu thành tội phạm
1.1. Mặt khách quan của hành vi
– Hành vi phạm tội
Theo quy định tại khoản 1 điều 159 BLHS có 5 hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà khi một người thực hiện 1 trong 5 hành vi nêu trên, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. 5 hành vi cụ thể là:
+ Hành vi chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào: Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là làm cho thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính không đến với người nhận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lén lút, gian dối, bội tín, công nhiên… Cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu là lấy đi, nhưng tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ, người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính cho mình, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi, mà không chiếm hữu sử dụng.
Nếu chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính để dùng vào mục đích khác và hành vi dùng vào mục đính khác của người phạm tội lại cấu thành mọt tội phạm độc lập thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu hành vi chiếm đoạt chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích.
Ví dụ: chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các băn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính dùng vào mục đích gián điệp thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gián điệp. Nếu chiếm đoạt thư của người khác rồi bóc ra xem thấy có nội dung mà người phạm tội dùng nó để lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội vừa bị truy cứu TNHS về tội xâm phạm bí mật hoặc thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, vừa vị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các văn bản mà người phạm tội chiếm đoạt không phải là văn bản được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tình và không có nội dung, tính chất thư tín, điện tín thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
+ Hành vi cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông: Hành vi này rất đa dạng về cách thức thực hiện như tiêu huỷ thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của người khác; bóc và đọc trộm thư của người khác; hành vi làm cho thư tín, điện báo, fax hoặc các văn bản khác không được gửi đến đúng địa chỉ của người nhận làm người nhận không nhận được…
+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật: là hành vi lén lút ghi lại nội dung cuộc nói chuyện giữa nhiều người với nhau mà không được sự đồng ý, cho phép của người bị ghi âm. Việc nghe hoặc ghi âm điện thoại liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân về thông tin. Tuy nhiên cần lưu ý đây là trường hợp pháp luật quy định một cách rõ ràng trường hợp nào thì được nghe, trường hợp nào thì không được nghe chứ không tùy tiện áp đặt vào thực tế trong mọi trường hợp việc nghe hoặc ghi âm cuộc đàm thoại vì mọi mục đích đều là trái pháp luật.
+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật: Điều này thể hiện bằng hành vi tự lý lục lọi, xem xét và giữ thư tín, điện tín trong các trường hợp không được pháp luật cho phép.
+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: Bao gồm các hành vi khác mà nhà làm luật chưa mô tả trong cấu thành tội phạm kể trên.
Người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm: là trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức quy định: Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, công chức không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.
Người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó (Tham khảo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999).
– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả
Những hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người hoặc gây ra những thiệt hại về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những thiệt hại này có thể tính ra được bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền.
Hậu quả của hành vi này, trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người khác.
Bộ luật Hình sự 2015 không căn cứ vào thiệt hại do hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, … gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội danh này mà chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm là tội phạm đã hoàn thành, những hậu quả khác do thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm không đáng kể, nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ý thức pháp luật chưa cao, chỉ khi nào do hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín gây ra hậu quả nghiêm trọng khác thì người có hành vi xâm phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng như đối với các tội phạm quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau, khi định tội cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ có một các hành vi nêu trên, thì người phạm tội thực hiện hành vi nào, định tội theo hành vi đó. Ví dụ: chỉ có hành vi xâm phạm bí mật thư tín, thì định tội là “xâm phạm bí mật thư tín của người khác” mà không định tội là “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” như điều luật đã ghi. Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi nêu trên thì khi định tội nêu tất cả các hành vi phạm tội nhưng không dùng liên từ hoặc. Ví dụ: người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm bí mật thư tín, xâm phạm bí mật điện thoại và xâm phạm an toàn thư tín, thì định tội là: “xâm phạm bí mật thư tín, bí mật điện thoại và an toàn thư tín của người khác”.
Các khái niệm trong điều luật được hiểu như sau:
– Thư tín: là thư gửi qua đường bưu điện
– Điện tín: là công việc thông tin nhau bằng tín hiệu điện tử
– Điện thoại: là máy truyền tiếng nói từ nơi này đến nơi khác bằng đường dây hoặc bằng vô tuyến điện.
1.2. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác được thực hiện do cố ý (cố ý phạm tội), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Nói chung, người phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp).
Người phạm tội này có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong xem trộm thư rồi dán lại, có người chiếm đoạt…
1.3. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là quyền được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi riêng tư khác của công dân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax, các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính. Thư, điện thoại, telex, fax hoặc văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của Nhà nước hoặc tổ chức thì người phạm tội không vị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội vị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: hành vi chiếm đoạt một công văn mật của cơ quan nhà nước là hành vi phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước quy định tại Điều 337 BLHS.
1.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm xâm phậm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác trước hết phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 12, 13 BLHS.
Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này vì cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.
Thông thường chủ thể của tội phạm này là bất kì ai, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định.
2. Hình phạt
– Theo quy định tại khoản 1 điều 159 BLHS thì người thực hiện một trong các hành vi được mô tả tại khoản 1 điều luật này, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tức là tội ít nghiêm trọng.
– Phạm tội thuộc 1 trong 5 trường hợp tăng nặng tại khoản 2 điều luật này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, cũng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.
– Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.