Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là tội danh mới được bổ sung trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS vào năm 2017. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là hành vi của người tổ chức hoạt động theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
1. Căn cứ pháp lý
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi Khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp thì mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm
2. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
2.1. Mặt khách thể của tội phạm
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp xâm phạm đến chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được thực hiện bằng các hành vi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Những hành vi trên chỉ cấu thành tội này nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 74 và Điều 290 BLHS và thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2.3. Mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự
2.4. Mặt khách quan của tội phạm
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được thực hiện với lỗi cố ý.
3. Về hình phạt
Điều 217a quy định 2 khung hình phạt:
-Người phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
-Người phạm tội theo quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, áp dụng đối với các trường hợp sau: a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên; c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
-Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.