Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Bộ luật Hình sự 2015
1. Căn cứ pháp lý
Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào trật tự an toàn công cộng.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bởi hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
– Hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi lôi kéo, rủ rê, tụ tập, tập hợp các con bạc (người đánh bạc), bố trí địa điểm cho người khác cùng đánh bạc, người tổ chức cũng có thể cùng tham gia đánh bạc.
Hành vi gá bạc: là chứa các đám bạc ở nhà mình hoặc địa điểm do mình bố trí để thu tiền hồ, để cầm đồ cho những người đánh bạc.
Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này khi thỏa mãn một trong các tình tiết sau:
+ Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn.
+ Hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 321 BLHS mà còn vi phạm.
+ Hoặc đã bị kết án về tội này hoặc hành vi được quy định tại Điều 321 BLHS mà còn vi phạm.
Thế nào là đánh bạc với quy mô lớn hoặc thu lợi bất chính lớn, thì theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003, theo đó người tổ chức đánh bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người trở lên hoặc cho từ 2 chiếu bạc trở lên; có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc, có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc, khi đánh bạc có sự phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát cho người bị vây bắt, sử dụng phương tiện tối ưu cho hoạt động đánh bạc như xe gắn máy, ô tô, điện thoại di động…; tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.
Thu lợi bất chính lớn: thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng là lớn; thu lợi bất chính từ 15 triệu đồng đến 45 triệu đồng là rất lớn; thu lợi bất chính từ 45 triệu đồng trở lên là đặc biệt lớn.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lồi cổ ý, nhằm sát phạt nhau được thua bằng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Là người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật.
3. Hình phạt
* Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 322 BLHS có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
* Khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 322 BLHS có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm cho các trường hợp: có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm.
* Khoản 3 quy định về hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.