Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là gì?
Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là hành vi của người có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài sản nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ, lơ là dẫn đến mất mát, hư hỏng hoặc thiệt hại về tài sản cho Nhà nước cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), như sau:
Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Các yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là trật tự, an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quyền sở hữu tài sản.
– Khách thể trực tiếp của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đối tượng tác động của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là tài sản của của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
2.2.1. Hành vi khách quan
Có thể nói người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ảnh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau nó tuỳ thuộc vào nhiệm vụ được giao và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại về tài sản.
Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường được biểu hiện như vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý tài sản của Nhà nước như: chế độ quản lý vật tư, kho tàng; chế độ phòng cháy, chữa cháy; chế độ thu chi tiền mặt; chế độ xuất, nhập vật tư, thiết bị; chế độ bảo quản hàng hoá.v.v… các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản do mình trực tiếp quản lý thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây ra thiệt hại về tài sản, nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì không thể gây thiệt hại. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà thiệt hại về tài sản vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và họ không phạm tội này dù thiệt hại về tài sản nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
2.2.2. Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ngoài ra không có thiệt hại nào khác.
Thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chính là giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản gây ra. Được coi là thiệt hại nghiêm trọng nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả của tội phạm này.
Nếu thiệt hại về tài sản không phải là tài sản do người phạm tội trực tiếp quản lý thì không tính vào hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đén tài sản mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu ngoài thiệt hại về tài sản mà còn gây ra những thiệt hại khác như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác thì cũng tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện do vô ý, chứ không phải do cố ý như đối với các tội xâm phạm sở hữu đã giới thiệu ở trên.
Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự. Có hai trường hợp vô ý phạm tội:
– Trường hợp thứ nhất là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, nhưng cho rằng thiệt hại đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thường phạm tội trong trường hợp này; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”.
– Trường hợp thứ hai là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì cẩu thả. Trường hợp vô ý này thường xảy ra đối với người phạm tội không có chức vụ mà chỉ là người có quyền hạn trong việc quản lý tài sản như: thủ kho, thủ quỹ, do vi phạm các quy định về quản lý tài sản như: phòng cháy, phòng nổ, phòng tiên tai, nên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.
Cả hai trường hợp vô ý trên, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước đều có thể mắc phải tuỳ thuộc vào trách nhiệm của họ đối với việc quản lý tài sản và hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại tài sản. Việc xác định lỗi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới là chủ thể của tội phạm này, vì vậy, các dáu hiệu về chủ thể của tội phạm này là yếu tố định tội bắt buộc của cấu thành tội phạm. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.
3. Hình phạt áp dụng đối với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
Khung 1
(Khung hình phạt cơ bản) |
Phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. | Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng |
Khung 2
(Khung hình phạt tăng nặng) |
Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm | Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng. |
Khung 3
(Khung hình phạt tăng nặng) |
Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm | Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên. |
Khung 5
(Khung hình phạt bổ sung) |
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |