Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là trường hợp người trong khi thi hành công vụ đã làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép.
1. Làm chết người trong khi thi hành công vụ là gì?
Làm chết người trong khi thi hành công vụ là trường hợp một người trong lúc thực hiện nhiệm vụ của mình theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung đã làm chết người khác do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Ví dụ về trường hợp được pháp luật cho phép có thể kể đến quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ thì người thi hành công vụ được phép nổ súng không cần báo trước trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Vì vậy, nếu một người trong khi thi hành công vụ sử dụng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép thì phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Các yếu tố cấu thành tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Mặt khách thể
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là tính mạng của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Đối tượng tác động của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là thân thể con người đang sống.
2.2. Mặt khách quan
Hành vi khách quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực (để thực hiện công vụ) ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép. Thông thường hành vi đó là những hành vi sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép.
Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định:
– Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
+ Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;
+ Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
+ Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.
– Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
+ Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
+ Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
+ Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Những hành vi dùng vũ khí ngoài những trường hợp nói trên đều bị coi là hành vi dùng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép và có thể trở thành hành vi khách quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Hậu quả của tội này là hậu quả chết người do hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép nói trên gây ra. Nạn nhân ở đây có thể là người có hành vi trái pháp luật, nhưng cũng có thể là người khác.
Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan (dùng vũ lực ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép) và hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người thi hành công vụ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra nếu đó là hậu quả của chính những hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp mà pháp luật cho phép mà họ đã thực hiện.
2.3. Mặt chủ quan
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý hoặc vô ý. Động cơ thúc đẩy người phạm tội đã có những hành vi xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ là muốn thi hành công vụ vì lợi ích chung.
Như vậy, những hành vi xâm phạm tính mạng người khác do hống hách, coi thường tính mạng của người khác, hoặc do tư thù đều không thuộc phạm vi của tội này.
2.4. Mặt chủ thể
Tội phạm có chủ thể đặc biệt – đó là những người đang thi hành công vụ.
Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác… ) theo kế hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội. Họ là người do tính chất công việc được giao được phép dùng vũ lực trong những trường hợp nhất định để thực hiện nhiệm vụ của mình. Công dân tự nguyện tham gia vào việc bảo vệ trật tự, trị an (như đuổi bắt người phạm tội) cũng được xem như người thi hành công vụ.
3. Hình áp dụng đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ có 02 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. | Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: – Làm chết 02 người trở lên; – Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. |
Khung 3 (Khung hình phạt bổ sung) | Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm |