Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Bộ luật Hình sự 2015
1. Hiếp dâm là gì?
Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
[…]
2. Các yếu tố cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.2. Mặt khách thể
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm và danh dự của con người. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Đối tượng tác động của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là sức khỏe, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người dưới 16 tuổi.
2.2. Mặt khách quan
* Hành vi khách quan:
Đặc trưng cơ bản nhất theo khoa học pháp lý thừa nhận trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực để xác định một người thực hiện hành vi hiếp dâm chính là hành vi giao cấu. Đó là hành vi đưa bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ và thực hiện các hành động đạt được mục đích thỏa mãn tình dục, tức là được thực hiện giữa chủ thể là nam giới đối với nữ giới. Hành vi giao cấu phải được thực hiện dưới hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc với thủ đoạn khác để đạt được mục đích thực hiện hành vi.
Đối với quy định tại điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi giao cấu không còn là hành vi duy nhất để tội phạm thực hiện tội hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi. Đó là các hành vi: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.
Theo định nghĩa tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự, thì:
– Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
– Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
+ Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
+ Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
…
– Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được; người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, thuốc kích thích, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.
– Thủ đoạn khác bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Trái với ý muốn của nạn nhân là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
* Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:
– Hành vi hiếp dâm xâm phạm quyền tự do tình dục của con người, xác định được việc thực hiện xong hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi không nên được xem là căn cứ để xác định chủ thể thực hiện tội phạm đã phạm tội.
– Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là tội cấu thành hình thức, tức là trong ý chí của chủ thể thực hiện hành vi phải thể hiện mong muốn giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Các hành vi để thực hiện được ý đồ đó trên thực tế phải được diễn ra trước, hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác không nhất thiết phải ở tình trạng hoàn thành mà có thể được diễn ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành hoặc phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
– Mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu tình dục trái ý muốn đối với nạn nhân, để đánh giá điều này rất khó khăn. Nên trên thực tế việc đánh giá hậu quả chỉ cần dựa vào việc đối tượng đã thực hiện đủ các thủ đoạn, hành vi trước giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác và thể hiện rõ mục đích giao cấu, thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác là đã đủ cấu thành tội phạm đối với tội hiếp dâm.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong tội hiếp dâm trẻ em tại Bộ luật Hình sự 1999 được hiểu là nam giới. Nữ giới không thể trở thành chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em thông thường bởi đi ngược với bản chất của hành vi giao cấu. Nữ giới chỉ có thể trở thành chủ thể của tội phạm hiếp dâm trẻ em trong trường hợp đồng phạm với vai trò người giúp sức. Thực tiễn xét xử kể từ khi Bộ luật Hình sự 1999 có hiệu lực đã thừa nhận điều này.
Tuy nhiên với Bộ luật Hình sự 2015, chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có thể là nam giới và nữ giới bởi xử lý cả các hành vi quan hệ tình dục khác, đây là các hành vi không bị trói buộc bởi quan điểm về hành vi giao cấu thông thường giữa nam giới và nữ giới.
Chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Hình phạt áp dụng đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
Khung 1
(Khung hình phạt cơ bản) |
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm | Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây
– Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; – Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. |
Khung 2
(Khung hình phạt tăng nặng) |
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tính chất loạn luân; – Làm nạn nhân có thai; – Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; – Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; – Phạm tội 02 lần trở lên; – Đối với 02 người trở lên; – Tái phạm nguy hiểm. |
Khung 3
(Khung hình phạt tăng nặng)
|
Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức; – Nhiều người hiếp một người; – Đối với người dưới 10 tuổi; – Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; – Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; – Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. |
Khung 4
(Khung hình phạt bổ sung) |
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm |