Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là trường hợp tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
1. Phòng vệ chính đáng là gì?
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. (Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015)
Lưu ý: Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm
2. Các yếu tố cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố, bao gồm: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
2.1. Mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đối với quan hệ xã hội đó.
– Khách thể chung của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là trật tự, an toàn xã hội và quyền con người. Tội này xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Khách thể loại của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là tính mạng của con người.
– Khách thể trực tiếp của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Đối tượng tác động của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là thân thể con người đang sống.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi (cố ý) gây ra cái chết cho người đang có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phạm tội hoặc của người khác. Hậu quả của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người đang có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phạm tội hoặc của người khác.
Tội phạm này chỉ cấu thành khi thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, hành vi tấn công đang diễn ra và chưa kểt thúc. Tức là tại thời điểm diễn ra sự kiện người phạm tội có hành vi xâm hại đến tính mạng của người khác, thì người khác đó đang có hành vi tấn công người phạm tội.
Ví dụ: A cầm dao đuổi chém B, B dừng lại và nói “nếu tiếp tục đuổi theo chém tôi, tôi sẽ giết anh”. Nhưng bất chấp lời cảnh báo đó A vẫn cầm dao đuổi chém B, không còn cách nào khác B liền dùng dao mang theo người xia một nhát sượt bả vai A, A chùn lại không đuổi theo B nữa. Thấy vậy, B liền xỉa tiếp nhát nữa về phía A khiến A gục ngay tại chỗ và chết trên đường đi cấp cứu. Hành vi phạm tội của B được xác định là phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Thứ hai, không gian, thời gian, công cụ phương tiện sử dụng cũng như tương quan lực lượng giữa hai bên. Tức là sự kiện phạm tội đó diễn ra ở đâu; nơi đó có nhiều người qua lại không hay đó là nơi hoang vắng; tương quan lực lượng giữa hai bên như thế nào; công cụ và phương tiện mà các bên sử dụng trong quá trình phạm tội là gì… để xác định đối tượng phạm tội có ở trong tình trạng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi (cố ý) gây ra cái chết cho người đang có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phạm tội hoặc của người khác với hậu quả chết người.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Động cơ phạm tội của người phòng vệ là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Hình phạt áp dụng đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội có 02 khung hình phạt, cụ thể:
Khung | Hình phạt | Hành vi |
---|---|---|
Khung 1 (Khung hình phạt cơ bản) | Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. | Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội |
Khung 2 (Khung hình phạt tăng nặng) | Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm | Phạm tội đối với 02 người trở lên |