Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ

0 10.141

1. Căn cứ pháp lý

Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ được quy định tại Điều 231 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

Điều 231. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ thì mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.

Hình minh họa. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ

2. Cấu thành tội phạm của tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ

Cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để phân phối tiền hàng cứu trợ không đúng với quy định của nhà nước.

Tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ đã được quy định tại Điều 178 BLHS năm 1985. Tuy nhiên, Điều 178 quy định tội danh là “vi phạm những nguyên tắc, chính sách, chế độ về phân phối” đối tượng rộng hơn. Điều 169 BLHS 1999 chỉ còn quy định hành vi làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ, còn những vấn đề khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội phạm này. BLHS sửa đổi năm 2015 tiếp tục quy định tội “cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ”.

Tội phạm này quy định hai hành vi phạm tội, là: cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ và cố ý làm trái quy định về phân phối hàng cứu trợ. Do đó, khi định tội cần căn cứ vào hành vi cụ thể mà người phạm tội thực hiện để định tội danh cho chính xác. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ thì định tội là “cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ” mà không định tội là “cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ”, nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ và cố ý làm trái quy định về phân phối hàng cứu trợ, thì định tội là “cố ý làm trái quy định về phân phối tiền và hàng cứu trợ”.

2.1. Mặt khách thể của tội phạm

Là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của nhà nước về quản lý tiền, hàng cứu trợ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, hàng dùng vào việc cứu trợ.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan:

– Người phạm tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là làm trái quy định về phân phối, nhưng với nhiều phương thức khác nhau như:

+ Không phân phối hoặc phân phối không đúng đối tượng (người mà theo quy định được phân phối nhưng không được phân phối, người mà theo quy định không được phân phối lại được phân phối);

+ Phân phối không đúng số tiền hoặc số hàng cứu trợ (phân phối thiếu hoặc thừa số tiền hoặc hàng cứu trợ).

– Thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái quy định của nhà nước về phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Hậu quả:

– Theo quy định của BLHS 1999, đối với tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ chưa cấu thành tội phạm. Theo đó, hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản cho con người, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội.

– Điều 234 của BLHS sửa đổi 2015 đã có những sửa đổi quan trọng, theo đó việc xác định hậu quả của tội phạm rất cụ thể trong các khung hình phạt. Tại khoản 1 xác định rõ hậu quả của tội phạm này là gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức. Như vậy, hậu quả về tài sản không phải là tình tiết bắt buộc trong cấu thành tội phạm, tài sản có thể dưới 100.000.000 đồng trong định khung hình phạt tại khoản 1 nhưng làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức có thể xét trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2 quy định hậu quả là gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hậu quả của tội phạm gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội thể hiện qua mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ với các mặt công tác khác của an ninh, trật tự, an toàn xã hội như ảnh hưởng của chúng tới trật tự công cộng, tới tình hình tội phạm khác, tới trật tự an toàn giao thông, sự phát triển và gia tăng tiêu cực của các loại hình tệ nạn xã hội…

Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ, còn dấu hiệu khách quan khác như: quy định về việc phân phối. Những quy định này không nhất thiết phải là những quy định của Nhà nước mà có thể chỉ là những quy định của cơ quan, tổ chức, thậm chí của một doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp doanh nghiệp đó bỏ tiền ra để tổ chức cứu trợ, làm từ thiện.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

– Lỗi của người phạm tội trong tội phạm cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi phân phối tiền, hàng cứu trợ của mình là trái pháp quy định về phân phối hàng cứu trợ, gây ra hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

– Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, người phạm tội cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ có thể có nhiều động cơ khác nhau như: vì thành tích cá nhân, đơn vị mình hoặc vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

2.4. Mặt chủ thể của tội phạm

Là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người khác cũng có thể trở thành chủ thể, nhưng họ chỉ là đồng phạm trong trường hợp vụ án có đồng phạm.


3. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự

Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức;
  • Gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
5/5 - (95 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap