Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

0 10.252

1. Căn cứ pháp lý

Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm đến sự an toàn của bí mật nhà nước, xâm hại đến an ninh quốc gia, an toàn về đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước.

Hình minh họa. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Theo Điều 1 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định thì: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.” .

– Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, cụ thể là:

+ Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là hành vi của người biết rõ tin tức, tài liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước do mình quản lý hoặc tuy không do mình quản lý nhưng bằng lời nói, chữ viết, cử chi hoặc qua các phương tiện truyền thông khác như máy tính, mạng internet, đĩa mềm… cố ý để cho người không có trách nhiệm biết được bí mật đó. Hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước có thể thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động như không ngăn cản, bỏ mặc cho người khác đột nhập vào bí mật nhà nước thực hiện các hành vi đọc tài liệu, quay phim, chụp ảnh…

+ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi của người biết rõ tài liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước mà cố ý sao chép trái phép, trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên hoặc bằng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp tinh thần hoặc thể chất đối với người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật Nhà nước nhằm chiếm đoạt tài liệu này.

+ Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi của người biết rõ tài liệu thuộc bí mật Nhà nước mà cố ý mua, bán tài liệu bí mật Nhà nước hoặc trao đổi tài liệu đó bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để cất giữ hoặc bán lại cho người khác.

+ Tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi của người biết rõ tài liệu thuộc bí mật Nhà nước mà cố ý làm hư hỏng, hủy hoại toàn bộ hoặc một phần tài liệu đó bằng các thủ đoạn như đốt, xé, nghiền nát, tẩy xoá… làm cho tài liệu bí mật nhà nước không thể khôi phục và không còn giá trị sử dụng nữa.

Những tin tức, tài liệu là đối tượng của các tội phạm này phải được các văn bản pháp luật hiện hành xác định là thuộc bí mật Nhà nước như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, danh mục bí mật Nhà nước của các bộ, ngành và các địa phương, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định tài liệu bí mật Nhà nước trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.

Ví dụ: Trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2006, Nguyễn Hồng H thuê nhà ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và trực tiếp làm trung gian giới thiệu, nhận sẽ bảo đảm cho 30 người thi đỗ vào các trường  đại học với giá từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Để thực hiện trót lọt, H đã thuê người hướng dẫn cho các thí sinh cách nghe và chép bài và trang bị điện thoại d i động để đọc đề thi ra ngoài. Qua mối quan hệ, H cũng liên hệ được với một số sinh viên có học lực khá của Trường Đại học sư phạm (Hà Nội) có nhiệm vụ giải đề thi và đọc lờig iải với giá trên 3 triệu đồng/người. Với phương thức như vậy, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, đường dây này đã tổ chức cho 16 thí sinh dự thi trót lọt, trong đó có 11 người đã trúng tuyển. Trong trường hợp này, cần xác định đề thi đại học năm 2006 là tài liệu thuộc bí mật Nhà nước khi thí sinh mới vào phòng thi và chưa được 2/3 thời gian làm bài thi theo quy định. Do vậy, phải truy cứu TNHS đối với Nguyễn Hồng H và các đồng phạm khác về Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 BLHS 1999 (Điều 337 BLHS 2015)

Cần lưu ý, trường hợp người thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán tài liệu bí mật nhà nước nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị truy cứu TNHS về Tội gián điệp theo Điều 110 BLHS.

– Hậu quả của tội phạm này không phải là yếu tố định tội trong cấu thành cơ bản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Cụ thể là:

+ Tình tiết “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 được hiểu là trường hợp làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước thuộc loại tối mật.

+ Tình tiết “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” được hiểu là các trường hợp như làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủytài liệu bí mật Nhà nước thuộc loại tuyệt mật; làm lộ nhiều loại bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ nhiều loại bí mật Nhà nước; gây thiệt hại cho nhà nước về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng hoặc gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động quản lý Nhà nước.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mặc dù trong cẩu thành cơ bản của tội phạm không quy định nhưng việc xác định động cơ, mục đích phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội. Người phạm tội phải vì động cơ, mục đích tư lợi hoặc cá nhân khác thì mới thuộc trường hợp phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Nếu người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước với mục đích để nước ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người phạm tội sẽ bị truy cứu TNHS về Tội gián điệp quy định tại Điều 110 BLHS như phân tích nêu trên.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm có thể là chủ thể thường hoặc chủ thể đặc biệt, tức là người có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài liệu bí mật Nhà nước.


3. Hình phạt

Về hình phạt, trong cấu thành cơ bản của tội này (khoản 1) quy định mức hình phạt từ hai năm đến bảy năm; nếu có tình tiết tăng nặng “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; có tình tiết tăng nặng “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

Để xác định có thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” hay không cần xem xét, đánh giá tổng hợp, toàn diện các hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra cả về kinh tế, chính trị, văn hóa… Ngoài ra, Điều 237 còn bổ sung quy định về hình phạt bổ sung, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.

4.9/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap