Quyền tác giả và quyền liên quan được pháp luật bảo hộ nên chủ sở hữu tác phẩm có quyền đối với các phẩm (là tài sản trí tuệ). Việc khai thác giá trị của tác phẩm có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tổ chức khác đảm bảo tài sản trí tuệ được khai thác có hiệu quả phù hợp với ý chí của chủ sở hữu – đó là hình thức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Trong thực tế có những tác phẩm được nhiều cá nhân hay tổ chức sử dụng nhiều lần ở các thời điểm khác nhau nên chủ sở hữu tác phẩm không thể kiểm soát được tất cả các hình thức sử dụng, việc thương lượng và trả tiền thù lao gặp nhiều khó khăn (nhất là đối với các tác phẩm âm nhạc) nên lựa chọn hình thức quản lý tập thể là phù hợp. Hiện nay, ở nước ta tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan còn khá mới mẻ nhưng ở các quốc gia phát triển lại rất được quan tâm. Từ các quốc gia đơn lẻ, năm 1926, 16 hiệp hội tổ chức quyền biểu diễn đã thành lập Liên đoàn quốc tế các nhà soạn nhạc và soạn lời (CISAC) với mục tiêu cơ bản là đại diện tập thể quyền tác giả. Hiện nay, có các tổ chức quốc tế về đại diện tập thể quyền tác giả gồm: Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế, Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời quốc tế, Hiệp hội quản lý các tác phẩm nghe nhìn quốc tế và Liên hiệp các tổ chức quyền sao chép. Các quốc gia đều khuyến khích các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ra đời để tạo ra tiếng nói chung, nâng cao hiệu quả thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Ích lợi của các tổ chức này là tạo ra sự đồng thuận cao, hạn chế sự xâm phạm đối với các tác phẩm, thiết lập các hợp đồng đối với những người sử dụng tác phẩm và thu tiền thù lao để tái sản xuất cho các chủ thể sáng tạo thông qua các hợp đồng độc quyền khai thác.
Ở Việt Nam, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Hiện nay, các tổ chức này bao gồm:
– Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC, là một tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực âm nhạc, là một đơn vị trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm âm nhạc Việt Nam làm cầu nối giữa người sử dụng và các tác giả âm nhạc.
– Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam – VLCC, là một Tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực văn học, là một đơn vị trực thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả văn học Việt nam làm cầu nối giữa người sử dụng và các tác giả văn thơ.
– Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam – RIAV, là tổ chức phí chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2003, nhiệm vụ chính của RIAV là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của Pháp luật về SHTT.
– Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam – VIETRRO là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan: Thực hiện việc đại diện quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền và nhiệm vụ sau: Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác; hợp tác với các tổ chức tương ứng của tổ chức quốc tế và của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thông qua các tổ chức quản lý tập thể, chủ sở hữu tác phẩm có thể ủy quyền cho tổ chức quản lý tập thể giám sát việc sử dụng tác phẩm,thương lượng với người sử dụng, cấp phép, thỏa thuận mức thù lao và phân bổ thù lao nhận được cho chủ sở hữu tác phẩm. Quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan mang lại nhiều lợi ích:
đơn giản hóa các thủ tục, theo đó người sử dụng tiếp cận các tác phẩm một cách đơn giản nhất chỉ thông qua một đầu mối mà không phải thông nhiều chủ thể, nhiều lần thương lượng. Vì vậy, thời gian đàm phán giảm và chi phí giao dịch thấp. Chẳng hạn, một đài Phát thanh – Truyền hình địa phương muốn sử dụng mười tác phẩm âm nhạc thì chỉ cần thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thay vì phải đàm phán và ký hợp đồng với 10 nhạc sỹ.
đảm bảo sự kiểm soát khi có nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau. Việc sử dụng tác phẩm được giám sát bởi tổ chức được ủy quyền và thu phí để phân phối lại cho chủ sở hữu tác phẩm vừa khai thác có hiệu quả giá trị kinh tế của tác phẩm vừa khuyến khích vật chất, sự chuyên tâm sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị cho xã hội.
Việc ủy quyền của chủ sở hữu tác phẩm cho các tổ chức quản lý tập thể thông qua các hợp đồng, nội dung của hợp đồng thể hiện phạm vi ủy quyền. Thông qua các hợp đồng cho thấy việc ủy quyền (thường gọi ủy thác) thường được thể hiện qua hình thức ủy quyền toàn bộ từ việc cấp phép khai thác, giám sát thực hiện, thương lượng mức thù lao, nhận thù lao và phân phối lại cho chủ sở hữu tác phẩm… Cũng có những trường hợp chủ sở hữu tác phẩm chỉ ủy quyền một phần, theo đó chủ sở hữu tác phẩm ký hợp đồng trực tiếp với cá nhân, tổ chức sử dụng nhưng tổ chức quản lý tập thể thực hiện giám sát và thu tiền thù lao.
Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống các quy định của pháp luật khá đầy đủ về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan nhưng vấn đề xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn xảy ra khá phổ biến duới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, vai trò của các tổ chức quản lý tập thể càng có ý nghĩa quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo về quyền tác giả và quyền liên quan. Vai trò của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta trong thời gian qua đã được khẳng định không chỉ thu và phân phối tiền bản quyền mà còn thúc đẩy các lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, quá trình quản lý tập thể còn nhiều mới mẻ, tính chuyên nghiệp hóa chưa cao nên vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần hoàn thiện về quy định, về cơ chế thực hiện, về nhận thức…
Theo Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khi một cá nhân, tổ chức sử dụng bản ghi vào mục đích thương mại không phải xin phép nhưng có nghĩa vụ trả tiền cho các chủ sở hữu quyền (trong đó có nhà sản xuất ghi âm, ghi hình). Các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm vào mục đích kinh doanh (phim trực tuyến, nhạc chờ, nhạc chuông,…) phải trả hai khoản: tiền bản quyền (quyền tác giả) và bản quyền ghi âm cho nhà sản xuất. Thực tế để ghi âm một tác phẩm ngoài việc trả tiền cho chủ sở hữu tác phẩm còn có các chi phí biên tập, hòa âm, phối khí,… nên chi phí rất cao. Thực tế khi sử dụng, chỉ có một số cá nhân, tổ chức trả bản quyền tác giả còn lờ đi việc trả tiền ghi âm cho đơn vị sản xuất dẫn đến sự vi phạm và xảy ra tranh chấp.
Vấn đề thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, quản lý tập thể quyền tác giả còn mới mẻ, do đó, vai trò của các tổ chức tập thể quyền tác giả cần được nhận thức một cách đúng đắn góp phần đảm bảo quản lý một cách hữu hiệu và bảo vệ thiết thực quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (nhất là trong lĩnh vực âm nhạc) ở nước ta hiện nay.
2. Thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan
Theo Điều 46 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức mình về các nội dung:
– Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
– Đối với cá nhân: Ngày, tháng, năm sinh; năm chết (nếu có).
Đối với tổ chức: Ngày, tháng, năm thành lập; năm giải thể (nếu có).
– Tên tác phẩm, tên đối tượng quyền liên quan (cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng).
– Nội dung tác phẩm; nội dung cuộc biểu diễn; nội dung bản ghi âm, ghi hình; nội dung chương trình phát sóng.
– Phạm vi ủy quyền; hiệu lực hợp đồng ủy quyền.
– Hoạt động cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
– Hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
– Các thông tin liên quan khác.