Khi làm việc tại doanh nghiệp, tùy vào đối tượng người lao động, loại hợp đồng lao động và mức tiền lương mà người lao động sẽ bị trừ một số khoản tiền cụ thể như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
1. Hướng dẫn tính tiền lương dành cho người lao động
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Được mô tả cụ thể bằng công thức sau:
Tiền lương | = | Mức lương | + | Phụ cấp lương | + | Các khoản bổ sung khác |
Trong đó:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương của công việc, chức danh đó trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp.
- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh; và, được quy định cụ thể trong Bảng Phụ cấp lương hoặc kèm theo trong thang, bảng lương của doanh nghiệp.
- Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động; trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của doanh nghiệp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Hình thức trả lương | Cách tính |
Trả lương theo thời gian | Tiền lương trả theo tháng: Dựa vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động
Tiền lương trả theo tuần = Tiền lương tháng x 12 tháng : 52 tuần Tiền lương trả theo ngày = Tiền lương tháng : số ngày làm việc bình thường trong tháng của doanh nghiệp (nhưng tối đa không quá 26 ngày) |
Trả lương theo sản phẩm | Tiền lương sẽ được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao. |
Trả lương khoán | Tiền lương sẽ được trả căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành. |
2. Những khoản tiền mà người lao động sẽ bị trừ vào tiền lương tháng
Tùy vào từng đối tượng người lao động, loại hợp đồng lao động và tiền lương mà người lao động có thể bị trừ vào tiền lương những khoản sau đây:
2.1. Bảo hiểm xã hội
Hàng tháng người lao động phải đóng 8% mức tiền lương hàng tháng vào trong quỹ hưu trí và quỹ tử tuất.
2.2. Bảo hiểm y tế
Hàng tháng, người lao động sẽ đóng 1,5% tiền lương hàng tháng của mình vào trong quỹ bảo hiểm y tế.
2.3. Bảo hiểm thất nghiệp
Hàng tháng, người lao động sẽ trích 1% tiền lương tháng của mình để đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2.4. Đoàn phí công đoàn
Khi người lao động vẫn là đối tượng đoàn viên, sẽ phải trích ra 1% tiền lương hàng tháng ra để nộp phí Công đoàn.
2.5. Thuế thu nhập cá nhân
Khi người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công đến ngưỡng phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ vào tiền lương của người lao động và nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công – Các khoản giảm trừ gia cảnh – Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
– Mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng (144 triệu đồng/năm)
– Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng/năm)