1. Tặng cho tài sản là gì?
Nhìn theo góc độ pháp lý, phần lớn các quốc gia trên thế giới ghi nhận việc tặng cho tài sản là hành vi của một chủ thể chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác và được người đó đồng ý. Tặng cho tài sản cũng được xem là một giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo các quy định của pháp luật. Tặng cho tài sản được chia làm hai loại đó là: Tặng cho tài sản có điều kiện và tặng cho tài sản không có điều kiện.
2. Tài sản chung của vợ chồng được quy định thế nào?
Tài sản chung của vợ chồng được pháp luật Việt Nam quy định một cách cụ thể tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ và chồng tạo ra, phần thu nhập do lao động, kinh doanh, sản xuất, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và các loại thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ các trường hợp khác quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và các tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận đó là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng hay được tặng cho riêng hoặc có được qua các giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu hợp nhất. Tài sản chung dùng để bảo đảm các nhu cầu của gia đình và thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Trong trường hợp tài sản mà 2 vợ chồng đang có tranh chấp nhưng không có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
3. Quyền định đoạt đối với tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì cả hai vợ và chồng đều có quyền định đoạt đối với tài sản chung của mình. Việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với tài sản chung đó sẽ do hai vợ chồng tự mình thỏa thuận.
Việc định đoạt đối với tài sản chung của vợ chồng cần phải có sự thỏa thuận bằng văn bản trong các trường hợp tài sản đó là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật tài sản đó cần phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đó là tài sản hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu cho gia đình.
Nếu vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người đó có quyền tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung đó và thỏa thuận này giữa 2 vợ chồng cần phải được lập thành văn bản.
4. Điều kiện tặng cho tài sản chung của vợ chồng khi tài sản là đất đai
Căn cứ theo quy định tại điều 188 Luật Đất đai năm 2013, theo đó, để thực hiện tặng cho đất đai thì người sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 điều 186 và trường hợp được thừa kế theo quy định tại khoản 1 điều 168 Luật Đất đai năm 2013.
- Tài sản là đất đai không có tranh chấp
- Quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
- Đất vẫn còn trong thời hạn sử dụng
- Đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 191 và 192 Luật Đất đai năm 2013.
5. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Hợp đồng tặng cho tài sản chung của vợ chồng đối với tài sản là quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của các bên, một bên tặng cho quyền sử dụng đất và một bên nhận tặng cho và phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Hợp đồng tặng cho đối với quyền sử dụng đất cần phải được lập thành văn bản, được cơ quan có thẩm quyền công chứng và chứng thực theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Việc tặng cho phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực tử thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
6. Trình tự tặng cho tài sản chung của vợ chồng đối với tài sản là đất đai
Để thực hiện được thủ tục tặng cho tài sản chung của vợ chồng đối với tài sản là đất đai thì trước tiên cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng đối với việc tặng cho tài sản chung là quyền sử dụng đất.
Tiếp theo, vợ chồng lập hợp đồng tặng cho bằng văn bản và hợp đồng này phải được cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại khoản 3 điều 167 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trong trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì việc công chứng hoặc chứng thực phải được thực hiện theo yêu cầu của các bên.
7. Thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho đất đai
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho đất đai, trước hết bạn cần chuẩn bị hồ sơ với các loại giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Bản hợp đồng tặng cho dự thảo.
- Bản sao giấy tờ tùy thân của các bên tham gia hợp đồng bao gồm: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch còn thời hạn sử dụng.
- Hộ khẩu
- Bản sao các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất.
- Bản sao các loại giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho như: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;Văn bản cam kết về tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn; Quyết định ly hôn.
- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của tài sản: Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung;Văn bản cam kết về tài sản; di chúc; văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
- Văn bản cam kết đối tượng trong hợp đồng giao dịch là có thật của các bên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trong hồ sơ như đã nêu ở trên thì người yêu cầu công chứng hợp đồng tặng cho tài sản đối với quyền sử dụng đất phải nộp hồ sơ công chứng tại có tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có tài sản đó.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ sau đó kiểm tra hồ sơ mà người yêu cầu công chứng đã nộp và giải thích các quyền, nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý của các bên khi giao kết hợp đồng tặng cho.
Trong trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý với toàn bộ nội dung của hợp đồng thì công chứng viên tiến hành kiểm tra năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng và hướng dẫn các bên trong hợp đồng ký và điểm chỉ vào các bản của hợp đồng trước mặt công chứng viên.
Bước 4: Ký và ghi lời chứng
Công chứng viên sau khi kiểm tra sẽ chuyển hồ sơ tới Chuyên viên pháp lý để soạn thỏa lời chứng và công chứng viên sẽ thực hiện ký nhận vào hợp đồng và ghi lời chứng.
Bước 5: Nhận hồ sơ và nộp lệ phí công chứng
Sau khi hoàn tất các công việc trên thì công chứng viên chuyển hồ sơ đó cho bộ phận văn thư đóng dấu và lấy số công chứng. Bộ phận sẽ thu phí và thù lao công chứng và các chi phí phát sinh khác theo quy định của pháp luật và quy định của phòng công chứng.
Sau khi người yêu cầu công chứng đã nộp đủ các loại phí theo yêu cầu, phòng công chứng sẽ trả hồ sơ và lưu trữ hồ sơ công chứng.
Việc thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho tài sản chung của vợ chồng đối với tài sản là quyền sử dụng đất giúp các bên trong hợp đồng có thể phòng tránh các loại rủi ro, đảm bảo vấn đề pháp lý trong giao dịch.