Thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

0 231

1. Thủ tục phiên tòa phúc thẩm

Các thủ tục phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành tương tự như phiên tòa sơ thẩm, bao gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục xét hỏi, tranh tụng, nghị án và tuyên án. Tất cả các quy định về thủ tục tại các Mục IV, V, VI Chương XXI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng được áp dụng cho phiên tòa phúc thẩm nhưng nội dung cụ thể thì chủ yếu tập trung vào nội dung kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

Thủ tục bắt đẩu phiên tòa phúc thẩm và thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm tuy được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng cũng có những điểm khác với phiên tòa sơ thẩm, đó là:

Trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đây là cơ sở của việc xét xử phúc thẩm vụ án.

Một điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục phiên tòa phúc thẩm là quy định về thủ tục chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Bên cạnh đó, chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cẩu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị. Quy định này đã tạo điều kiện cho các bên được trình bày ý kiến của mình về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khi tranh tụng tại phiên tòa: Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Như vậy, khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên không trình bày lời luận tội mà qua việc xét hỏi, xem xét đánh giá chứng cứ (cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới), Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của bản án Sơ thẩm trên cơ sở đánh giá mức độ phù hợp và có căn cứ của kháng cáo, kháng nghị về hướng giải quyết vụ án.

Hình minh họa. Thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

2. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

Khi xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, Hội đồng xét xử có quyền ra một trong những quyết định sau đây:

– Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

– Sửa bản án sơ thẩm;

– Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;

– Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Sau khi tiến hành các bước của phiên tòa phúc thẩm, nếu thấy nội dung bản án sơ thẩm và các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp thì Hội đổng xét xử phúc thẩm ra quyết định bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy bản án sơ thẩm có những sai lầm liên quan đến định tội danh, quyết định hình phạt, áp dụng các biện pháp tư pháp, quyết định mức bồi thường thiệt hại hoặc xử lý vật chứng, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa chữa sai lầm đó bằng cách sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đẩy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được hoặc khi có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;… Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bên cạnh các quyền hạn đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn bổ sung một quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vào nhóm quyền hạn này, đó là: đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp như người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Thời điểm có hiệu lực pháp luật của bản án phúc thẩm là ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án, tức là bản án sẽ được đưa ra thi hành án ngay. Chính vì vậy, việc ra bản án phúc thẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với việc giải quyết nội dung vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích của người kháng cáo, người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị mà còn là căn cứ để đánh giá chất lượng giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm nói chung và trực tiếp đối với Thẩm phán Tòa án sơ thẩm nói riêng. Do vậy, bản án hình sự phúc thẩm phải bảo đảm tính thuyết phục không chỉ đối với Viện kiểm sát, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác mà còn đối với cả Tòa án cấp sơ thẩm.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm như sau:

– Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm (Điều 356)

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật. Bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật là bản án không vi phạm những quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như các vănT)ản pháp luật khác và những kết luận trong bản án phù hợp với thực tế khách quan của vụ án, các quyết định trong bản án phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.

Có những trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn phải giữ nguyên bản án sơ thẩm vì nội dung kháng cáo, kháng nghị không tạo cơ sở cho Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm.

– Sửa bản án sơ thẩm (Điều 357)

Sửa bản án sơ thẩm là một trong những quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm, tuy nhiên việc sửa bản án sơ thẩm phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

+ Sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo

Hội đổng xét xử phúc thẩm có quyền miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho bị cáo, không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn cho bị cáo; giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho bị cáo hưởng án treo; giảm mức bồi thường thiệt hại; sửa quyết định xử lý vật chứng theo hướng có lợi cho bị cáo.
Lưu ý khi sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo:

(1) Khi sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không bị ràng buộc bởi phạm vi và hướng kháng cáo, kháng nghị.

(2) Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo ngay cả khi chỉ có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng. Thậm chí, đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị, nếu có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. Trước đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có quan điểm: Việc Tòa án cấp phúc thẩm “chỉ chú ý xem xét” “giảm hình phạt” cho bị cáo kháng cáo “mà không cân nhắc giảm hình phạt cho các bị cáo khác không kháng cáo” mặc dù có lý do để giảm hình phạt “là không công bằng” (Quyết định giám đốc thẩm số 20/2005/HS-GĐT ngày 31/10/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Hội đổng xét xử phúc thẩm chỉ xem xét phần bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại nếu có kháng cáo, kháng nghị về bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại nhưng nếu có căn cứ, Hội đổng xét xử phúc thẩm vẫn có quyền giảm mức bồi thường thiệt hại.

– Sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo

Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; không cho bị cáo hưởng án treo trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu. Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự yêu cầu.

Điều kiện sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo:

Việc sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo phải đáp ứng được các điều kiện chặt chẽ về chủ thể kháng cáo, kháng nghị; nội dung kháng cáo, kháng nghị và sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Các điều kiện đó bao gồm: 1) phải có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại; 2) việc sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo không được vượt quá nội dung yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị (nếu kháng cáo, kháng nghị chỉ yêu cầu tăng mức hình phạt thì chỉ được tăng hình phạt trong giới hạn của khung hình phạt tòa sơ thẩm đã tuyên); không được ra bản án không có lợi cho bị cáo vắng mặt tại phiên tòa trừ trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng.

Nếu chỉ có kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể tuyên y án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho họ, không được sửa bản án theo hướng tăng nặng hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu nhưng nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

Khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một quy định bổ sung, trong trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 357 cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp có căn cứ là khi xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì mặc dù bị cáo không có kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo. Quy định này nhằm bảo đảm sự công bằng trong xét xử, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo nói chung và những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

– Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 358)

+ Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại

Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 358) trong các trường hợp sau: Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Trong trường hợp việc điều tra ở cấp sơ thẩm đã đầy đủ thì Tòa án cấp phúc thẩm không được hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Mặc dù khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định “việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ” nhưng nếu việc điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc khi có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm thì cũng phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

+ Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại

Các trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm: Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm; Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội; Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ; Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm. Lý do này quyết định vụ án sẽ phải tiến hành lại ở giai đoạn nào (điều tra hay xét xử sơ thẩm lại). Đây là căn cứ quan trọng cho việc tiếp tục giải quyết vụ án.

Khi quyết định hủy án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải chỉ ra những thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án nhưng không được quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo. Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử sơ thẩm lại vụ án.

Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cẩn phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì khi quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án. Việc quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo phải được tiến hành khi nghị án và phải được ghi vào biên bản nghị án, bản án.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm. Cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, Viện kiểm sát truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (Điều 359)

Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đó là: không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3,4, 5, 6 và 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đó là: người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Các quy định tại Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ áp dụng trong trường hợp vụ án có một bị cáo. Nếu trong vụ án có nhiều bị cáo mà chỉ có một hoặc một số bị cáo thỏa mãn những căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy phần bản án sơ thẩm liên quan, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo đó. Đối với các bị cáo còn lại, Tòa án vẫn tiến hành xét xử bình thường.
Ngoài việc quy định các thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm như đã đề cập, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn xác định thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm tại Điều 362 và thẩm quyền ra quyết định của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm được quy định tại Điều 361 của Bộ luật.

4.8/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap