1. Thủ tục kháng cáo
1.1. Về đơn và thủ tục kháng cáo
Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã tách các quy định về thủ tục kháng nghị ra khỏi điều luật, chỉ còn quy định về thủ tục kháng cáo. Việc tách này là hoàn toàn khoa học, giúp cho việc nghiên cứu được thuận tiện hơn. Các quy định về thủ tục kháng cáo cũng chi tiết, rõ ràng hơn. “Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm”.
Khi kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo và gửi đơn đó đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án đó. Việc quy định người kháng cáo có thể gửi đơn kháng cáo đến một trong hai Tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người kháng cáo, nơi nào thuận tiện nhất thì gửi đơn. Nếu kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án này phải thông báo cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành việc thông báo kháng cáo và gửi hổ sơ vụ án.
Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo. Nếu như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định chung chung người có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo là “Ban giám thị Trại tạm giam” thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm của Giám thị Trại tạm giam và Trưởng Nhà tạm giữ trong trường hợp bị cáo đang bị giam, giữ ở đó đối với việc tiếp nhận đơn kháng cáo. Sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải vào sổ, ghi rõ ngày nhận và gửi ngay đến Tòa án có thẩm quyền. Ngày mà Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận đơn kháng cáo được coi là ngày kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo của mình mà không phải viết đơn. Trong trường hợp này Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo, trong đó ghi rõ: địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm người kháng cáo đến trình bày kháng cáo của mình, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, họ và tên, tuổi, tư cách tố tụng của người kháng cáo, nội dung kháng cáo, những yêu cầu của người kháng cáo… Kết thúc biên bản phải có chữ ký của hai bên, nếu có sửa chữa gì trong biên bản thì phải có sự xác nhận của họ theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng thêm phạm vi tiếp nhận kháng cáo trực tiếp của người kháng cáo không chỉ là Tòa án đã xét xử sơ thẩm như quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà còn có cả Tòa án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung khoản 2 Điều 332 về nội dung đơn kháng cáo. Theo đó, nội dung chính của đơn kháng cáo bao gồm: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; Lý do và yêu cầu của người kháng cáo; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp cho người kháng cáo biết cách thức trình bày đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo là căn cứ cho việc xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
Trong trường hợp để chứng minh thêm tính có căn cứ của kháng cáo, người kháng cáo có thể kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định bổ sung quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án của những người tham gia tố tụng nói chung và người có quyền kháng cáo nói riêng (xem thêm các điều 61, 62, 63, 64, 65, 73, 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Đây là một quyền rất quan trọng thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể thực hiện quyền kháng cáo, do đó, người kháng cáo có thể đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung. Quy định này cũng không hạn chế hình thức trình bày chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung của người kháng cáo. Họ có thể gửi kèm theo đơn kháng cáo hoặc có thể trực tiếp trình bày khi kháng cáo bằng miệng.
1.2. Về thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo
Thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo được quy định tại Điều 334 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là một điều luật mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định cụ thể về việc sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật này. Do đó, để bảo đảm tính chặt chẽ về thủ tục trên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định quy trình thực hiện của Tòa án kể từ sau khi nhận được đơn kháng cáo. Tính hợp lệ của kháng cáo được xem xét dựa trên các yếu tố như thời hạn kháng cáo, chủ thể thực hiện kháng cáo, nội dung kháng cáo. Việc Tòa án phải vào sổ tiếp nhận đơn kháng cáo ngay sau khi nhận được đơn sẽ giúp Tòa án không bỏ sót, quên hoặc làm mất mát các đơn kháng cáo, đồng thời cũng xác định được thời hạn kháng cáo có bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật hay không. Bên cạnh việc vào sổ tiếp nhận đơn kháng cáo, Tòa án cần phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo để xác định đơn kháng cáo đó có đáp ứng đủ yêu cầu để giải quyết theo trình tự phúc thẩm hay không.
Tòa án cấp sơ thẩm sẽ xử lý đơn kháng cáo như sau: Nếu đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có nghĩa là, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Khi nhận được thông báo của Tòa án về việc chấp nhận đơn kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp và người có liên quan đến kháng cáo sẽ chủ động được việc chuẩn bị chứng cứ, tài liệu, thời gian… để tham gia vào việc xét xử phúc thẩm.
Nếu kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ những nội dung muốn kháng cáo. Nội dung kháng cáo thể hiện các yêu cầu, phạm vi kháng cáo. Trong một số trường hợp, nội dung kháng cáo sẽ liên quan trực tiếp đến việc Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo đó theo hướng nào. Do đó, nội dung kháng cáo cần rõ ràng. Nếu qua kiểm tra, Tòa án phát hiện thấy nội dung kháng cáo chưa rõ các yêu cầu đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo biết để họ làm rõ những nội dung muốn kháng cáo.
Nếu nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Việc kháng cáo quá hạn được pháp luật chấp nhận nhưng chỉ khi có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, để được chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn thì người kháng cáo cần trình bày rõ lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh cho Tòa án biết việc kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng. Tòa án cấp sơ thẩm sẽ gửi đơn kháng cáo, bản tường trình, chứng cứ, tài liệu đó cho Tòa ấn cấp phúc thẩm để xem xét.
Nếu người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn. Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong một số trường hợp, người làm đơn kháng cáo có thể không xác định rõ được mình có quyền được thực hiện kháng cáo hay không nên họ vẫn làm đơn kháng cáo thì Tòa án cũng phải trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn biết, đổng thời thông báo cũng được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Nếu họ không đồng ý với việc trả lại đơn kháng cáo của Tòa án, họ có thể làm đơn khiếu nại. Tòa án sẽ xem xét giải quyết đơn khiếu nại của họ theo thủ tục về giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
1.3. Về thủ tục xét kháng cáo quá hạn
Khi thực hiện quyền kháng cáo, những người tham gia tố tụng phải bảo đảm kháng cáo theo đúng thời hạn được quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật, do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự được thiết kế điều luật quy định việc kháng cáo quá hạn và thủ tục xét chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Kháng cáo quá hạn là việc kháng cáo sau khi đã hết thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 333. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định về việc kháng cáo quá hạn có thể được Tòa án chấp nhận nếu có lý do chính đáng. Lý do chính đáng được hiểu là những lý do khiến cho người có quyền kháng cáo tuy mong muốn kháng cáo trong thời hạn luật định nhưng không thể thực hiện được vì một số lý do như sau: ốm, bị tai nạn trong thời hạn kháng cáo đến mức không thể thực hiện được việc kháng cáo, bị cô lập trong điều kiện không có phương tiện giao thông, liên lạc… Tuy nhiên, do quy định chưa rõ ràng về các trường hợp “có lý do chính đáng” nên trong thực tế việc xét kháng cáo quá hạn gặp nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ về trường hợp này như sau: “nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan”.
Một điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là quy định rõ hơn về thời hạn nhận đơn và gửi đơn kháng cáo quá hạn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đổ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm. Việc quy định thời hạn gửi đơn kháng cáo quá hạn cho Tòa án cấp phúc thẩm giúp cho việc giải quyết đơn kháng cáo quá hạn được nhanh chóng, kịp thời.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đổ vật kèm theo (nếu có) thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập Hội đồng để xem xét đơn kháng cáo quá hạn. Như vậy, thẩm quyền xét đơn kháng cáo quá hạn thuộc về Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn nhưng không phải mở phiên tòa. Khi cần thiết, Hội đổng xét kháng cáo quá hạn có thể mời người đã kháng cáo quá hạn đến để nghe họ trình bày ý kiến. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định cụ thể về việc có mặt của Kiểm sát viên tại phiên họp này. Theo đó, phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử của mình, Kiểm sát viên tham gia vào phiên họp xét kháng cáo quá hạn nhằm bảo đảm việc xem xét được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật nhưng đồng thời cũng bảo đảm được quyền và lợi ích của người kháng cáo.
Sau phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Hội đổng xét kháng cáo quá hạn phải ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ chấp nhận kháng cáo quá hạn khi các lý do mà người kháng cáo đưa ra là có căn cứ, các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn được cho là bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Sau khi nhận được quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiến hành gửi hồ sơ vụ án, các chứng cứ, tài liệu có liên quan đến kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
2. Thủ tục kháng nghị
Kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát được thực hiện dưới hình thức quyết định kháng nghị. Khoản 2 Điều 336 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung những nội dung chính trong quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, bao gồm: Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát; Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị. Quy định mới này nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng trong quyết định kháng nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Viện kiểm sát đã đưa ra kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm.