Thủ tục Đổi thẻ Căn cước công dân
Việc đổi thẻ Căn cước công dân cần đáp ứng những điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Căn cước công dân 2014, Nghị định 137/2015/NĐ-CP, Thông tư 66/2015/TT-BCA, Thông tư 07/2016/TT-BCA, Thông tư 11/2016/TT-BCA, Thông tư 40/2019/TT-BCA, Thông tư 41/2019/TT-BCA, Thông tư 48/2019/TT-BCA, Thông tư 59/2019/TT-BTC.
1. Khái niệm
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014, Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.
Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác (Khoản 2 Điều 3 Luật này).
Điều 18 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân. Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.
Khoản 1, 2 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
– Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
– Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
2. Các trường hợp cần đổi thẻ Căn cước công dân
Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau:
– Các trường hợp khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
– Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
– Xác định lại giới tính, quê quán;
– Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD;
– Khi công dân có yêu cầu.
Lưu ý: Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
– Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
– Trường hợp thẻ Căn cước công dân được đổi thẻ trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
3. Thực hiện thủ tục
Khoản 2 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA quy định:
– Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp công dân kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.
– Đối với địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.
– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.
Lưu ý:
– Khoản 1 Điều 1 Thông tư 48/2019/TT-BCA quy định: Trường hợp công dân làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân.
– Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này (khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước công dân 2014).
– Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về thời hạn đổi thẻ Căn cước công dân: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước công dân phải đổi thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau:
+ Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
+ Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
+ Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
+ Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.