Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y

0 6.358

a.  Trình tự thực hiện: (Khoản 2, Khoản 3 Điều 97 Luật Thú y)

– Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y chuẩn bị hồ sơ theo quy định.

Hồ sơ nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục Thú y hoặc gửi qua mạng điện tử từ thứ hai đến thứ sáu và buổi sáng thứ bảy (buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00).

– Bước 2: Chi cục Thú y tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

  * Khi nhận hồ sơ trực tiếp, Bộ phận tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ.

  + Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì cấp Biên nhận có ngày hẹn trả kết quả trao cho người nộp.

  + Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì chuyên viên nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại theo quy định.

  * Nếu nhận hồ sơ gửi qua mạng điện tử, Bộ phận tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ:

  + Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển tiếp qua bước 3 thực hiện.

  + Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì chuyên viên nhận hồ sơ sẽ có phản hồi thông tin qua mạng điện tử cho cơ sở trong thời gian 01 ngày làm việc.

– Bước 3: Giải quyết hồ sơ

  Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chi cục thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở buôn bán thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Bước 4: Tổ chức, cá nhân căn cứ vào ngày hẹn trên Biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục Thú y thành phố (số 151 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11) hoặc kết quả qua đường bưu điện.

Ghi chú: Đối với trường hợp hồ sơ gửi qua mạng điện tử khi nhận kết quả giải quyết tổ chức, cá nhân mang hồ sơ bản chính theo quy định để nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

b.  Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua mạng điện tử cho Chi cục Thú y.

c.  Thành phần, số lượng hồ sơ: (Điều 21 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT; Khoản 1, Khoản 3 Điều 97 Luật Thú y)

–  Thành phần hồ sơ bao gồm:

+  Đơn đăng ký cấp/ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện (theo mẫu);

+  Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật (theo mẫu);

+  Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

+  Chứng chỉ hành nghề (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

–  Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

d.  Thời hạn giải quyết: (Khoản 2, Khoản 3 Điều 97 Luật Thú y) 08 ngày làm việc, kể từ ngày Chi cục Thú y nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

đ. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y gồm thuốc thú y; thuốc thú y thủy sản; vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y.

e.Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chi cục Thú y.

g. Kết quả thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận đủ điều kiện đủ điều kiện buôn bán hoặc văn bản từ chối nêu rõ lý do.

h. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

+  Đơn đăng ký cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện (Phụ lục XX Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT);

+  Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật (Phụ lục XXII Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT).

i. Phí, Lệ phí (nếu có): (Phụ lục 1, 6 Kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012)

–  Lệ phí Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản: 70.000 đồng / lần.

–  Phí thẩm định điều kiện và tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản:

+  Cửa hàng: 225.000 đồng/ lần;

+  Đại lý: 450.000 đồng/ lần.

Trường hợp lô hàng cần phải xét nghiệm, các chỉ tiêu xét nghiệm được tính chi phí riệng theo thực tế.

k. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: (Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 92 Luật thú y; Điều 17 Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016)

+  Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+  Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp;

+  Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y;

+  Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh hoặc phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản. Có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin.

l. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

+  Luật thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015 của Quốc hội. Có hiệu lực 01/7/2016.

+  Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết về Luật thú y. Có hiệu lực 01/7/2016.

+  Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý thuốc thú y. Có hiệu lực ngày 19/07/2016.

+  Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y. Có hiệu lực ngày 01/01/2017.

5/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap